Monday, May 6

Giám sát chặt chẽ sản xuất giống và thức ăn phục vụ nuôi biển

Hiện nay giống và thức ăn là 2 yếu tố quan trọng để phát triển nuôi biển. Ảnh: KS.

Hiện nay giống và thức ăn là 2 yếu tố quan trọng để phát triển nuôi biển. Ảnh: KS.

Chưa chủ động hoàn toàn về con giống, thức ăn

Tại hội thảo phát triển giống và thức ăn phục vụ nuôi trồng thủy sản trên biển năm 2023 do Cục Thủy sản tổ chức vào sáng 8/9 tại TP Nha Trang, ông Lê Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Khánh Hòa cho biết, tỉnh có tiềm năng và thế mạnh rất lớn để phát triển nuôi biển. Tôm hùm là đối tượng nuôi biển trọng điểm của tỉnh với trên 64.000 ô lồng, sản lượng trên 1.300 tấn/năm.

Bên cạnh đó, các loại cá biển như cá chẽm, cá mú, cá bớp, cá chim vây vàng… cũng được nuôi nhiều tại các vịnh, đầm với gần 9.800 lồng, tổng sản lượng khoảng 8.000 tấn. Ngoài ra, đối tượng như cua biển, hàu Thái Bình Dương, tu hài, rong biển đang góp phần giúp người dân ven biển cải thiện thu nhập.

Khánh Hòa cũng là một trong những địa phương có số lượng cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản lớn tại khu vực miền Trung. Đối tượng giống thủy sản sản xuất đa dạng gồm: tôm sú và tôm thẻ chân trắng, ốc hương, cá biển, tu hài, cua, hải sâm…Không chỉ cung cấp cho nhu cầu giống tại chỗ, tỉnh còn xuất đi các tỉnh miền Tây và các tỉnh phía Bắc.

Theo ông Võ Khắc Én, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho biết, 6 tháng đầu năm nay, tổng số lượng trại giống trên địa bàn tỉnh là 221 cơ sở, trong đó 141 cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, với tổng sản lượng sản xuất đạt hơn 2,1 tỷ con giống.

Đối với sản xuất giống thủy sản, theo ông Võ Khắc Én, hiện tỉnh còn hạn chế, chưa chủ động hoàn toàn về con giống sản xuất nhân tạo, chẳng hạn như tôm hùm, một số loài cá biển, rong biển. Hơn nữa, con giống sản xuất cũng chưa đáp ứng được nhu cầu nuôi thương phẩm. Cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất giống thủy sản chưa được đầu tư tương xứng, chủ yếu quy mô nhỏ…

Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III đang nỗ lực sản xuất giống phục vụ nuôi biển. Ảnh: KS.

Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III đang nỗ lực sản xuất giống phục vụ nuôi biển. Ảnh: KS.

Đối với nuôi tôm hùm trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, người dân sử dụng hoàn toàn thức ăn tươi từ nguồn khai thác trong các vùng biển ven bờ bao gồm cá tạp, giáp xác nhỏ và các loại động vật thân mềm như sò, vẹm. Còn nuôi cá biển thì vừa sử dụng thức ăn tươi và thức ăn công nghiệp.

Việc sử dụng thức ăn tươi nuôi tôm hùm không chỉ ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản ven bờ mà còn gây ra các vấn đề về môi trường. Vì vậy, ông Én cho rằng, cần có giải pháp để khắc phục, chủ động được nguồn thức ăn cho nuôi tôm hùm. Ngoài ra, thức ăn công nghiệp có nhiều ưu điểm hơn thức ăn tươi, nhưng ở một số loài cá biển nuôi, thức ăn công nghiệp chưa thể thay thế hoàn toàn cho thức ăn tươi trong suốt chu kỳ nuôi.

Cũng như Khánh Hòa, Phú Yên cũng là tỉnh có tiềm năng nuôi biển rất lớn. Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Hằng Nga, Phó Chi cục trưởng Chi Cục Thủy sản Phú Yên, hiện cơ sở sản xuất nuôi biển rất hạn chế. Toàn tỉnh có 22 cơ sở sản xuất giống thủy sản nhưng chỉ vài cơ sở sản xuất cá biển đáp ứng theo yêu cầu thị trường và chưa có kế hoạch sản xuất dài hạn, bền vững. Bên cạnh đó, tỉnh cũng không có đơn vị nào sản xuất thức ăn phục vụ nuôi biển.

Hai yếu tố quan trọng để phát triển nuôi biển

Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia đều cho rằng, giống và thức ăn là hai yếu tố quan trọng để phát triển nuôi biển.

Giống cá bớp phục vụ nuôi biển. Ảnh: KS.

Giống cá bớp phục vụ nuôi biển. Ảnh: KS.

PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cho biết, giống và thức ăn chiếm hơn 80% giá thành, là 2 yếu tố quan trọng để phát triển nuôi biển. Do đó, để phát triển nuôi biển bền vững, chúng ta cần quản lý giống và thức ăn chặt chẽ. Để làm được điều này, chúng ta cần áp dụng công nghệ số.

Còn ông Huỳnh Kim Khánh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Khánh Hòa cho rằng, để đầu ra con giống chất lượng, việc quản lý, chọn giống bố mẹ phải đặt lên hàng đầu. Do đó, cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường giám sát chặt chẽ đàn giống bố mẹ, cũng như có quy định cụ thể về điều kiện trại sản xuất giống.

Đồng quan điểm với ông Khánh, đại diện Trường Đại học Nha Trang cũng cho rằng, hiện nay số trại nuôi đàn bố mẹ của chúng ta không nhiều, chủ yếu các trại mua trứng về ấp, ương dưỡng con giống. Do đó, nếu quản lý tốt đàn bố mẹ thì đầu ra con giống sẽ đảm bảo chất lượng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Dũng, đại điện Trung tâm Dịch vụ Giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản tỉnh Kiên Giang cho biết, hiện nay việc chọn bố mẹ để lấy trứng, ấp thành cá con đã làm tốt. Nhưng việc chọn tạo bố mẹ có đặc tính di truyền tốt hơn thì lại chưa làm được. Do đó, ông đề xuất Bộ NN-PTNT cần đặt hàng cho các Viện, trường hoặc có chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất con giống có chất lượng.

Bên cạnh đó, tại hội thảo, nhiều đại biểu đều có chung quan điểm, Nhà nước cần hỗ trợ tập trung chọn con giống chủ lực để sản xuất bài bản, đồng thời tổ chức thực hiện theo chuỗi để nâng giá trị ngành hàng và phát triển nuôi biển bền vững. Ngoài ra, cần tăng cường giám sát, kiểm tra về chất lượng thức ăn cho thủy sản nuôi.

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết, nhu cầu giống và thức ăn phục vụ nuôi biển là rất lớn. Ảnh: KS.

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết, nhu cầu giống và thức ăn phục vụ nuôi biển là rất lớn. Ảnh: KS.

Ghi nhận các ý kiến, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản đề nghị các địa phương trong thời gian tới cần rà soát điều kiện các cơ sở sản xuất giống thủy sản, thức ăn và các cơ sở lồng bè nuôi cá bố mẹ. Các địa phương phải nắm rõ từng cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống và nuôi đàn cá bố mẹ ở đâu để quản lý chặt chẽ.

Về phía Cục Thủy sản cũng sẽ rà soát về vấn đề nuôi đàn bố mẹ, ương dưỡng con giống. Sắp tới, Cục Thủy sản cũng sẽ ngồi với các sở sản xuất giống và ương dưỡng giống để bàn và thành lập chuỗi cung ứng nhằm cung cấp con giống ổn định, chất lượng, phục vụ nuôi biển. Đồng thời, phía cơ quan quản lý Nhà nước sẽ tăng cường giám sát chất lượng con giống và thức ăn cho thủy sản.

Theo ông Luân, trong nuôi biển, nhu cầu về con giống và thức ăn là rất lớn, do đó cần đảm bảo sự liên kết giữa người nuôi với doanh nghiệp cung ứng đầu vào và đầu ra. Điều này sẽ giúp tránh tình trạng bán phá giá và duy trì ổn định thị trường.

Theo đại diện Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III, đến nay, Viện đã nghiên cứu thành công công nghệ sản xuất giống ghẹ xanh, cua xanh, tôm mũ ni trắng, giun nhiều tơ, sá sùng, cá mặt quỷ, cua hoàng đế, hải sâm cát, hải sâm vú trắng, cá mú lai, cá mú nghệ, cá mú dẹt, cá chẽm, cá giò, sò huyết, bào ngư, ốc hương, hàu, tu hài, điệp seo, trai tai tượng và rong biển.

Các công nghệ đã và đang được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất. Hằng năm cung cấp hàng chục triệu con giống để làm bố mẹ phục vụ sản xuất giống cũng như nuôi thương phẩm. Hiện nay, quy trình công nghệ sản xuất giống nhân tạo tôm hùm bông (Panulirus ornatus) đang được thực hiện. Kết quả của đề tài đã ương nuôi ấu trùng tôm hùm bông từ giai đoạn I đến giai đoạn X cho thấy triển vọng lớn trong việc sản xuất thành công giống tôm hùm bông trong điều kiện nhân tạo.

Các đối tượng quý hiếm, giá trị kinh tế cao khác đã và đang lưu giữ ở Viện như cá mú sao, cá mó đầu khum, hải sâm lựu, hải sâm đen, hải sâm gai, cá mú tổ ong cũng đang được nghiên cứu công nghệ sản xuất giống.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email