Friday, May 3

Du lịch thôn Lòng Hồ, nét khác biệt ở Sơn Tây

Thôn Lòng Hồ ở xã Kim Sơn (thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội) nằm ở vị trí giáp hồ Đồng Mô, có không gian rộng, môi trường trong lành, trở thành nét độc đáo của một vùng quê ngoại thành Hà Nội.

Thời gian vừa qua một số hộ ở thôn đã tiên phong trong việc phát triển dịch vụ tham quan, nghỉ dưỡng. Tuy nhiên hoạt động này vẫn còn mang tính tự phát, thiếu đầu tư một cách bài bản nên chưa phát huy được hết tiềm năng trời phú nơi đây. Vì vậy việc được thành phố công nhận chính thức là điểm du lịch sẽ tạo cho thôn Lòng Hồ một định hướng phát triển phù hợp hơn khi gắn với chương trình xây dựng NTM kiểu mẫu của xã Kim Sơn.

Việc phát triển du lịch nông nghiệp ở đây sẽ không còn tự phát nữa khi các Sở, ngành như Du lịch Văn hóa và Thể thao, Tài nguyên và Môi trường, Xây Dựng, Giao thông Vận tải, NN-PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Công an TP Hà Nội, UBND thị xã Sơn Tây… phải có trách nhiệm hướng dẫn tổ chức quản lý, khai thác theo đúng quy định pháp luật.

Cảnh sắc thôn Lòng Hồ. Ảnh: Tư liệu.

Cảnh sắc thôn Lòng Hồ. Ảnh: Tư liệu.

Thôn Lòng Hồ có hồ Đồng Mô gắn với câu chuyện về rùa khổng lồ nhiều nét tương đồng với rùa Hồ Gươm. Sau khi được công nhận là điểm du lịch, UBND xã Kim Sơn đã xây dựng chủ trương, tuyên truyền, vận động các hộ có điều kiện tham gia phát triển du lịch. Đồng thời xã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hộ có được hành lang pháp lý để triển khai mô hình.

Hiện đã có khoảng trên 10 hộ đăng ký, mỗi hộ mang một nét riêng biệt nhưng đều góp phần vào sự đa dạng của du lịch nông nghiệp như: hộ nuôi ong lấy mật, hộ nuôi ngọc trai, hộ nuôi bò, hộ chuyên nghề thuốc Nam bằng các thảo dược, hộ kinh doanh homestay… Sẽ có đủ các loại hình du lịch từ nghỉ dưỡng đến trải nghiệm thực tế, cắm trại ven hồ, khu lưu trú tiện ích. Khi mô hình liên kết du lịch thôn Lòng Hồ hình thành sẽ tạo nên chuỗi du lịch đặc sắc cùng với những điểm du lịch khác trong vùng.

Hiện Hà Nội đang có hai sản phẩm OCOP thuộc nhóm dịch vụ du lịch được đánh giá, phân hạng 4 sao là điểm du lịch dịch vụ Hồng Vân, xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) và khu sinh thái Phù Đổng, xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm). Cả hai nơi này đều gắn với nghề hoa và cây cảnh nên có những nét đẹp rất khác biệt theo từng mùa trong năm, thu hút được đông đảo khách tới tham quan, chụp ảnh và mua hàng.

Hà Nội cũng đã công nhận 7 điểm du lịch nông nghiệp gồm điểm du lịch xã Dương Xá và điểm du lịch Phù Đổng (huyện Gia Lâm); điểm du lịch làng nghề lược sừng Thụy Ứng, điểm du lịch làng nghề mộc cao cấp Vạn Điểm (huyện Thường Tín); điểm du lịch Đại Áng, điểm du lịch Yên Mỹ (huyện Thanh Trì) và cuối cùng là điểm du lịch thôn Lòng Hồ xã Kim Sơn (thị xã Sơn Tây).

Những hoạt động du lịch trải nghiệm ở thôn Lòng Hồ. Ảnh: Tư liệu.

Những hoạt động du lịch trải nghiệm ở thôn Lòng Hồ. Ảnh: Tư liệu.

Theo TS Ngô Kiều Oanh – chuyên gia về du lịch nông nghiệp đồng thời cũng là chủ của trang trại Đồng Quê, hiện nay du lịch vẫn phát triển manh mún, thiếu sự quy hoạch. Đặc biệt là làn sóng đầu tư của người thành phố về quê khiến cho các khu du lịch bị xáo trộn về cảnh quan, về văn hóa. Không ít mô hình còn sao chép lẫn nhau, không có điểm nhấn riêng, không có sự tham gia của cộng đồng mà chỉ là những doanh nghiệp lớn đầu tư riêng lẻ. Thêm vào đó là cơ chế quản lý đất đai cho nông nghiệp, nông thôn còn chưa tính kết hợp với du lịch, chưa có sự đảm bảo về pháp lý để người dân có thể yên tâm tham gia và đầu tư.

Việc kết nối giữa ngành nông nghiệp và du lịch trải nghiệm, du lịch giáo dục cần được đặc biệt quan tâm nhằm tạo thành những “địa chỉ vàng” ven đô cho các trường học, người dân thành phố về một cách ổn định thì mới gia tăng được giá trị cho nông sản, đồng thời bảo tồn được văn hóa, cảnh quan của nông thôn…

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email