Friday, April 26

Độc đáo như chăn bông tơ tằm tự dệt

Anh bạn đứng cạnh tôi bảo, OCOP 5 sao đấy!

Còn bà Phan Thị Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) cho hay, sau nhiều năm quan sát con tằm làm tơ, đan kén nó ngoáy đầu ra sao, rút ruột thế nào bỗng nảy ra một ý tưởng lạ, sắp xếp những điều kiện thuận lợi nhất cho chúng tự dệt thành tơ. Theo cách làm truyền thống thì phải kéo kén, ươm tơ, từ đó cào thành bông rồi khâu cố định các lớp vào để tạo ra chăn, rất tốn công và sau một thời gian sử dụng dễ bị vón cục.

Từ ý tưởng đến thành công phải qua rất nhiều thất bại. Mất 1 năm với 8 lứa tằm đem ra làm thí nghiệm, tương đương vài chục đêm ròng thức trắng bà mới hoàn thiện được phương pháp độc đáo là tơ tằm tự dệt.

Tằm khi đan kén còn có cái tổ để che thân nên yên tâm kéo tơ, đằng này lũ tằm tự dệt phải nằm trơ trọi trên một mặt phẳng khiến chúng rất sợ ánh sáng, tiếng động hay gió thổi. Bà phải để chúng vào trong cái nhà kín không có tiếng động, ánh sáng, gió lùa.

Bà Phan Thị Thuận đang cho tằm tự dệt. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bà Phan Thị Thuận đang cho tằm tự dệt. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trong ruột mỗi con tằm chứa sợi tơ dài 400-500m bà cũng phải tính toán tỉ mỉ khoảng cách thích hợp để cho chúng vươn cổ, nhả tơ sao cho thật vừa tầm mà không vướng víu. Khi đã đạt độ dài, rộng, dày theo tiêu chuẩn thì đem tơ ấy tẩy đi sẽ tạo được tấm ruột chăn có màu sắc trắng như bông. Chính vì sản phẩm độc đáo đó mà giá của tơ tằm tự dệt tới hàng chục triệu và trở thành món quà vô cùng độc đáo không chỉ Hà Nội mà còn cả Việt Nam khi muốn tặng cho những vị khách quan trọng.

Hà Nội hiện thuộc top đầu cả nước về OCOP 5 sao khi có 3 chủ thể đạt OCOP 5 sao. Đợt công nhận đầu là sản phẩm gốm sứ của Công ty TNHH Gốm Sứ Quang Vinh, còn đợt công nhận vừa qua là 2 sản phẩm chăn bông tơ tằm tự dệt của Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức và gốm men Suối Ngọc của HTX sản xuất, kinh doanh gốm Tân Thịnh.

Cận cảnh con tằm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cận cảnh con tằm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng thường trực Văn phòng điều phối Nông thôn mới TP Hà Nội chia sẻ, chưa nói đến sản phẩm được công nhận OCOP 5 sao mà vừa rồi tôi đi sang hội chợ ở Đức cùng với các sản phẩm đạt OCOP 4 sao của Công ty CP Thế giới Hạt Dưỡng (Hanuti), sau khi được giới thiệu, dùng thử họ đã đặt hàng không mở đủ vùng nguyên liệu. Còn như những sản phẩm gốm sứ được công nhận OCOP 5 sao của Công ty TNHH Gốm Sứ Quang Vinh, của HTX sản xuất, kinh doanh gốm Tân Thịnh cũng xuất khẩu sang rất nhiều nước, hay chăn bông tơ tằm tự dệt của Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức là món quà quý, trở thành niềm tự hào về thủ công, mỹ nghệ.

Bà Phan Thị Thuận bên những tấm chăn bông tơ tằm tự dệt. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bà Phan Thị Thuận bên những tấm chăn bông tơ tằm tự dệt. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Chí, Hà Nội trước mới hỗ trợ các chủ thể tham gia chương trình OCOP về tư vấn, tuyên truyền, quảng bá thương hiệu, kết nối tiêu thụ, nay đang trình chính sách thưởng cả bằng tiền.

Công tác tuyên truyền sắp tới cũng sẽ phải thay đổi, không chỉ tuyên truyền ở các sự kiện, hội chợ mà còn cụ thể tới từng chủ thể. Riêng với những nhóm sản phẩm đạt OCOP 5 sao sẽ phải tuyên truyền trọng tâm, trọng điểm. Ngoài ra những nhóm đạt OCOP 4 sao tốt, tức có điểm cao thì cũng được tập trung thúc đẩy. Có những nhóm sản phẩm OCOP 4 sao nhưng gần tiềm năng 5 sao như miến Minh Dương khó có doanh nghiệp nào có thể vượt qua được trong nghề nhưng khi dự thi OCOP lại vướng vấn đề nguồn gốc nguyên liệu địa phương. Đấy cũng là cái khó chung của Hà Nội khi có nhiều làng nghề phụ thuộc đầu vào nguyên liệu từ các địa phương khác nên khi chấm OCOP sẽ bị mất điểm, phải chịu thiệt thòi…

Sau mỗi cuộc đánh giá xếp hạng OCOP, chính chủ thể đã biết được điểm mạnh, điểm yếu sản phẩm của mình để đầu tư trang thiết bị, thay đổi mẫu mã, công nghệ hay kể ra câu chuyện sản phẩm khác biệt để cải thiện tình hình.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email