Monday, May 6

Đi theo đường mòn cũ, xuất khẩu thủy sản khó cạnh tranh

8 tháng đầu năm 2023, ngành nông nghiệp đã giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhất là xuất khẩu nông sản và lúa gạo. Riêng lĩnh vực thủy sản, một trong ba trụ cột của ngành lại gặp nhiều khó khăn.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị bàn giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản trong bối cảnh mới tại TP Cần Thơ. Ảnh: Kim Anh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị bàn giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản trong bối cảnh mới tại TP Cần Thơ. Ảnh: Kim Anh.

Đánh giá này được Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến dẫn ra tại hội nghị bàn giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản trong bối cảnh mới, tổ chức ngày 9/9 tại TP Cần Thơ.

Theo Cục Thủy sản, 8 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 5,68 tỷ USD, giảm 25,4% so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân đến từ lượng đơn hàng ở thị trường lớn như Mỹ, EU… giảm mạnh, dẫn đến tồn kho cao. Cộng với các yếu tố về giá cả vật tư đầu vào phục vụ ngành thủy sản tăng, cước vận chuyển tiếp tục gây áp lực với hoạt động sản xuất thủy sản.

Thep Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, nếu ngành thủy sản không duy trì được đà tăng trưởng và tăng tốc xuất khẩu, sẽ ảnh hưởng đến kết quả chung của toàn ngành nông nghiệp.

Điểm lại cơ cấu khai thác, nuôi trồng của ngành thủy sản, Thứ trưởng Tiến chỉ ra một số hạn chế đến từ việc chuỗi giá trị toàn ngành chưa mạnh mẽ trong đổi mới công nghệ, giá thành sản xuất ở mức cao. Bởi sức cạnh tranh nằm ở giá thành, buộc ngành thủy sản phải giảm giá thành sản xuất, nếu đi theo đường mòn, làm theo cách cũ trong bối cảnh mới, sẽ không nâng cao được sức cạnh tranh.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đưa ra một loạt chỉ đạo kiên quyết để ngành thủy sản duy trì đà tăng trưởng, tăng tốc xuất khẩu. Ảnh: Kim Anh.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đưa ra một loạt chỉ đạo kiên quyết để ngành thủy sản duy trì đà tăng trưởng, tăng tốc xuất khẩu. Ảnh: Kim Anh.

Do đó, Thứ trưởng yêu cầu ngành thủy sản phải xây dựng cơ cấu giá thành chuẩn cho ngành, với các tiêu chuẩn cụ thể về giống, thức ăn, môi trường, thú y… để áp dụng đối với từng phương thức nuôi.

Đối với giống thủy sản, thời gian qua, Bộ NN-PTNT đã đầu tư nhiều chương trình đầu tư công, nhưng hiệu quả triển khai rất chậm. Thứ trưởng đặt vấn đề, vì sao người nuôi không mua giống ở cơ sở sản xuất cá tra 3 cấp mà mua bên ngoài, chứng tỏ ở ngoài chất lượng và giá cả tốt hơn. Thực trạng này đòi hỏi các địa phương và đơn vị chuyên môn liên quan trực thuộc Bộ NN-PTNT phải “nghĩ thực, nói thực và làm thực”. Giống phải đảm bảo có tỷ lệ nuôi sống cao, tăng trưởng tốt, tiêu tốn thức ăn thấp để tạo sức cạnh tranh.

Vấn đề liên kết chuỗi giá trị cũng đóng vai trò quan trọng đối với ngành hàng thủy sản trong bối cảnh mới. Thứ trưởng đánh giá cao cách làm của tỉnh Sóc Trăng khi thường xuyên làm việc trực tiếp với các nhà máy chế biến, cơ sở cung cấp thức ăn thủy sản, người nuôi và cả ngân hàng trên địa bàn để tháo gỡ khó khăn, xây dựng chuỗi liên kết, triển khai các quy trình thực hành đạt chuẩn, hỗ trợ tín dụng phù hợp với nhu cầu sản xuất, tạo đà duy trì sản xuất ổn định trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

VASEP nhận định, các doanh nghiệp ngành tôm hiện đã đi rất sát thị trường, linh động điều chỉnh chính sách bán hàng. Ảnh: Kim Anh.

VASEP nhận định, các doanh nghiệp ngành tôm hiện đã đi rất sát thị trường, linh động điều chỉnh chính sách bán hàng. Ảnh: Kim Anh.

Ngoài mặt hàng xuất khẩu chủ lực là tôm và cá tra, hải sản đang là sản phẩm tiềm năng, mảnh ghép quan trọng của ngành thủy sản và còn nhiều dư địa. Do đó, Thứ trưởng Tiến đề nghị các địa phương cần quan tâm, quán xuyến lại tất cả các đối tượng nuôi trên địa bàn.

Trao đổi với PV Báo Nông nghiệp Việt Nam bên lề hội nghị, bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đưa ra những tín hiệu tích cực cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam những tháng cuối năm. Điển hình là kim ngạch xuất khẩu tôm từ tháng 5/2023 đến nay liên tục tăng.

Đặc biệt, kết quả đánh giá hệ thống kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cá da trơn xuất khẩu của Cơ quan Kiểm dịch và An toàn thực phẩm Mỹ (FSIS) rất khả quan, không có sai lỗi lớn. Bà Lan kỳ vọng đây sẽ là cơ sở cho các doanh nghiệp tăng giá bán ở các thị trường khác.

Kết quả đánh giá hệ thống kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cá da trơn xuất khẩu của Cơ quan Kiểm dịch và An toàn thực phẩm Mỹ (FSIS) rất khả quan, không có sai lỗi lớn. Ảnh: Kim Anh.

Kết quả đánh giá hệ thống kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cá da trơn xuất khẩu của Cơ quan Kiểm dịch và An toàn thực phẩm Mỹ (FSIS) rất khả quan, không có sai lỗi lớn. Ảnh: Kim Anh.

Bà Lan nhận định, các doanh nghiệp ngành tôm hiện đã đi rất sát thị trường, linh động điều chỉnh chính sách bán hàng. Với thị trường cá tra, mức giá hiện đã ở mức thấp nhất, các doanh nghiệp cần hợp tác chặt chẽ để có giá bán tốt nhất trong thời gian tới. Với người nuôi, cần hợp tác với các doanh nghiệp để nắm vững thị trường, dãn nuôi, đảm bảo nguồn cung phù hợp với nhu cầu. Với đà này, VASEP nhận định xuất khẩu thủy sản năm 2023 sẽ đạt trên 9 tỷ USD.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email