Monday, April 29

Đi học cho vui, ai ngờ thành ‘phù thủy’ ghép cây giống

Sản xuất giống cây ăn quả – nghề không bao giờ lỗ

Sinh ra và lớn lên từ một gia đình nông dân, đông con, anh Phạm Đức Long ở xã Bình Kiều, Khoái Châu (Hưng Yên) lấy vợ khi vừa tròn 20 tuổi và được bố mẹ cho ra ở riêng ngay. Những năm 1999 – 2000, Khoái Châu vẫn còn là huyện thuần nông, đời sống người dân vẫn trông vào hạt lúa, củ khoai là chính.

Anh Long cùng lô nhãn giống sắp xuất vườn. Ảnh: Hải Tiến.

Anh Long cùng lô nhãn giống sắp xuất vườn. Ảnh: Hải Tiến.

Để lo cho cuộc sống gia đình, anh Long đã phải chật vật chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, từ cấy lúa sang thâm canh chuối và đu đủ. Vất vả là vậy nhưng vẫn không thể thoát nghèo vì đất canh tác quá ít. Anh Long phải mở thêm nghề mua gom chuối tiêu hồng bán cho thương lái xuất sang Trung Quốc, nhưng chỉ được vài chuyến bán chuối được trả tiền sòng phẳng, có lãi, sau bị đầu mối cấp 1 “bùng” mất 6 triệu đồng…

Đang khi xót của, chưa biết làm gì lấy tiền bù lỗ, anh Long được Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên mời tham gia lớp học nghề chiết, ghép cây ăn quả. Thoạt đầu anh Long chỉ nghĩ đi cho khuây khỏa. Không ngờ càng nghe giảng giải, anh càng bị cuốn hút vì thấy nghề này rất phù hợp với điều kiện thực tế đất chật người đông ở địa phương.

Là người sáng ý và khéo tay, chỉ sau khóa đào tạo 10 ngày, anh Long đã làm chủ mọi kỹ thuật ghép mắt, ghép đoạn cành trên cây có múi và nhãn, vải. Để rồi về nhà, anh Long thuyết phục được vợ chuyển toàn bộ 2 sào ruộng sang sản xuất nhãn giống các loại. Vừa lúc đó, phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng diễn ra rất sôi nổi trong cả nước, giúp nhà vườn nhãn giống của anh Long luôn trong tình trạng “cháy hàng”.

Vườn giống hồng xiêm Xoài. Ảnh: Hải Tiến.

Vườn giống hồng xiêm Xoài. Ảnh: Hải Tiến.

Do vậy, anh Long đã từng bước gom thêm đất nông nghiệp từ một số hộ khác, thuê mướn thêm lao động để mở rộng quy mô sản xuất các giống cây ăn quả (nhãn, xoài, cam, bưởi, na, hồng xiêm…) với tổng diện tích đến nay đã đạt hơn 2ha. Trong đó có 0,7ha vườn nhãn mẹ đầu dòng, vừa lấy quả vừa khai thác mắt giống, còn lại chuyên sản xuất một số giống cây ăn quả khác. Mỗi năm, cơ sở của anh Long xuất bán ra thị trường từ 15 – 20 vạn cây giống các loại (chủ yếu là các giống nhãn như Hương Chi, chín muộn Khoái Châu, T6, Siêu ngọt, Đường phèn, Cùi cổ Hưng Yên, Ánh Vàng 205).

“Sản xuất giống cây ăn quả không bao giờ thua lỗ. Cây giống không bán được năm nay, để lại chăm sóc trong vườn giâm, năm sau bán có khi còn được giá tốt hơn”, anh Long khẳng định.

Muốn bán được giống, chỉ giống tốt là chưa đủ

Theo anh Long, để thu hút được nhiều nhà nông đến mua cây giống, việc bán giống chuẩn và giá cả hợp lý là chưa đủ, còn phải thường xuyên quảng bá sản phẩm trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội, đồng thời phải làm tốt công tác chăm sóc khách hàng.

Anh chia sẻ kinh nghiệm:

– Để sản xuất giống chuẩn, phải có vườn cây mẹ đầu dòng ra quả ổn định từ 5 năm trở ra, được Sở NN-PTNT công nhận, cho phép lấy mắt ghép nhân giống ra sản xuất đại trà.

– Để có giống giá hợp lý, cần giảm giá giống bằng cách đảm bảo tỷ lệ sống của cây giống sau ghép cao trên 95%. Theo đó, ngoài thuần thục kỹ thuật ghép đoạn cành trên cây nhãn, cần chọn thời vụ ghép nhãn tốt nhất (tháng 3 – 4 hoặc tháng 8 – 10) và thời tiết ghép tối ưu (những ngày nắng ráo, nhiệt độ ngoài trời trung bình 20 – 25 độ C). Đồng thời phải chọn cắt giống trên những cành bánh tẻ to bằng đầu to của chiếc đũa ăn cơm. Trước đó 15 – 20 ngày phải xiết nước cành giống (khoanh mịn lớp vỏ cành tại vị trí cách gốc cành lấy giống 30 – 35cm) nhằm kích các mầm ngủ trên cành giống nhanh bật mầm sau khi ghép lên cây.

Nhãn giống mới ghép mắt. Ảnh: Hải Tiến.

Nhãn giống mới ghép mắt. Ảnh: Hải Tiến.

– Với hạt gống gieo làm gốc ghép, chỉ chọn lấy những hạt to đều, cân đối, không sâu hại, đem ngâm vào nước vôi trong chừng 30 phút để khử nấm bệnh và độ ngọt còn dính trên hạt. Sau đó vớt hạt, giâm trong đất mùn ẩm cho tới khi nẩy mầm (khoảng 5 ngày) rồi gieo ươm trong bầu giá thể đã chuẩn bị trước (1 hạt/bầu). Xếp các bầu ươm này lên luống, phủ một lớp đất móng, tưới giữ ẩm hàng ngày, phòng trừ sâu bệnh kịp thời, bón thêm 1,5kg NPK/sào (360m2) sau mỗi lần đảo rễ giúp cây phát triển khoẻ. Khoảng 15 – 18 tháng, cây gốc ghép lớn bằng đầu ngón tay út thì cắt ngọn tại vị trí cao 25 – 30cm từ mặt bầu và tiến hành ghép giống.

– Lưu ý: Sau mỗi lần cây ra lộc phải tiến hành đảo rễ/sang bầu (chuyển cây từ bầu nhỏ trồng sang bầu kích thước lớn hơn), mục đích là cắt bỏ rễ cọc của cây, kích thích cây ra nhiều rễ con, sau trồng ra ruộng sản xuất tỷ lệ sống sẽ đạt 100%.

Cây giống sau ghép 4 – 5 tháng có thể xuất vườn nguyên bầu và túi ni lông. Để lấy giống trên 2 năm tuổi, cần lột bỏ vỏ túi ni lông bao bầu từ sau khi cây ra đợt lộc thứ 2, rồi giãn thưa mật độ trồng trong vườn giâm, ngoài 1 năm có thể xuất vườn cây giống.

Một cây nhãn giống đạt chuẩn phải đúng giống, sạch sâu bệnh, thân cây to mập, mắt ghép thấp (cao 25 – 30cm tính từ mặt bầu), cây cao từ 1 – 1,2m (tùy tuổi giống), bộ lá đã ra được 2 – 3 đợt lộc, bầu rễ có nhiều rễ tôm, nghĩa là đã đôn đảo được 2 – 3 lần.

Cây nhãn mẹ đầu dòng chuyên lấy quả và khai thác mắt giống. Ảnh: Hải Tiến.

Cây nhãn mẹ đầu dòng chuyên lấy quả và khai thác mắt giống. Ảnh: Hải Tiến.

– Trong chăm sóc khách hàng, không gì bằng bảo hành giống và hỗ trợ nhà vườn kỹ thuật trồng, chăm sóc cho tới khi cây đạt sản lượng quả ổn định.

Thực tế nhiều năm bán giống và phản hồi từ các khách mua cây, anh Long rút ra: Với các tỉnh Tây Nguyên, trồng giống nhãn T6 và Hương Chi phù hợp nhất, năng suất đạt rất cao, cây 4 tuổi đã cho 30kg quả/cây.

Vùng Tây Bắc chỉ nên trồng giống nhãn chín muộn Khoái Châu, chín sớm Sơn La và Ánh Vàng 205. Khu vực đồng bằng sông Hồng có thể trồng được nhiều giống như nhãn Siêu ngọt, Hương Chi, Đường phèn, Cùi cổ Hưng Yên, Miền Thiết. Đáng chú ý, dùng KClO3 xử lý cho cây nhãn chín muộn Khoái Châu phân hóa mầm hoa sẽ không hiệu quả, nhưng áp dụng kỹ thuật truyền thống (xiết nước, chặn rễ, khoanh cành) cây sẽ ra hoa đậu quả như ý muốn.

Bên cạnh là chủ cơ sở nhân giống cây ăn quả, anh Long còn là Giám đốc HTX Nông sản sạch Minh Bảo. HTX dưới sự dẫn dắt của anh Long luôn duy trì sản xuất 50ha nhãn Siêu ngọt và Hương Chi đạt chuẩn VietGAP, cung ứng ra thị trường hàng chục tấn nhãn quà cao cấp mỗi năm với giá 40 – 50 nghìn đồng/kg (cao gấp 3 – 4 lần giá nhãn bán ngoài thị trường). Vụ nhãn 2023 này, dù bị mất mùa chung, HTX vẫn cho sản lượng trên 100 tấn nhãn các loại.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email