Monday, April 29

Dân nuôi cá Cát Bà ‘ngã ngửa’ vì bất cập từ lồng bè bằng nhựa HDPE

Chưa nuôi đã hỏng

Thực hiện theo chủ trương của thành phố Hải Phòng liên quan đến tháo dỡ lồng bè nuôi trồng thủy sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà, nhiều hộ dân đã tiên phong chấp hành, tự nguyện tháo dỡ và bỏ ra hàng trăm triệu đồng đóng mới lồng bè để tiếp tục sinh nhai.

Theo quy định mới, sau khi tháo dỡ lồng, bè cũ, mỗi hộ dân đóng mới 16 ô lồng nuôi cá trên phần diện tích 320m2 mặt nước biển bằng vật liệu ống HDPE, hệ thống nhà vệ sinh tự hoại trên bè nuôi cá đảm bảo nước thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn QCVN 14-2008 cột B và các quy cách, quy chuẩn khác của nhà bè tuân thủ theo đúng hướng dẫn của quyết định số 3876.

Nhiều hộ dân ở Cát Bà đã tự tìm tòi và đóng mới lồng bè bằng nhựa HDPE. Ảnh: Đinh Mười.

Nhiều hộ dân ở Cát Bà đã tự tìm tòi và đóng mới lồng bè bằng nhựa HDPE. Ảnh: Đinh Mười.

Tiên phong thực hiện theo chủ trương này, khoảng 10 hộ dân đã tự tìm tòi và bỏ ra từ 700 triệu đồng cho đến cả tỷ đồng để đầu tư đóng mới lồng bè mới theo chủ trương nhằm đưa vào khai thác, nuôi trồng thủy sản, vừa đảm bảo thực hiện đúng chủ trương, vừa đảm bảo nhanh chóng đưa vào hoạt động để ổn định sinh kế cũng như góp phần phát triển kinh tế – xã hội – du lịch của địa phương.

Tuy vậy, khi các công trình còn chưa kịp đưa vào sử dụng thì hàng loạt bất cập đã xảy ra, thậm chí có hộ chưa nuôi cá mà mái nhà đã nghiêng, phải sửa nhiều lần và chưa thể đưa vào sử dụng.

Ông Trần Văn Dân, trú tổ 11 Bến Bèo, thị trấn Cát Bà cho biết, thực hiện chủ trương của TP Hải Phòng gia đình ông đã tháo dỡ lồng bè ở vị trí cũ, sau đó cắm sổ đỏ để vay ngân hàng số tiền 500 triệu đồng để đóng mới 16 ô lồng, bè bằng vật liệu nhựa HDPE của Công ty Nhựa Super Trường Phát.

Đến nay, bè đã đóng được hơn 11 tháng và qua quan sát, nhận định bằng cảm quan, chất lượng bè nhựa HDPE không thể bằng bè gỗ, chỉ đạt khoảng 70% do phao quá mỏng và yếu. Sau khi làm xong, phao cứ sụt dần theo thời gian, vừa qua do bị sụt nhiều quá, ông đã phải gắn mấy chiếc phao vào bè mới nổi lên trở lại.

Một chiếc bè đã bị nghiêng về phía trước dù mới hoàn thiện được 14 tháng và chưa đưa vào hoạt động. Ảnh: Đinh Mười.

Một chiếc bè đã bị nghiêng về phía trước dù mới hoàn thiện được 14 tháng và chưa đưa vào hoạt động. Ảnh: Đinh Mười.

Về hiệu quả nuôi thủy sản, với kinh nghiệm nhiều năm, ông Dân nhận định lồng bè bằng nhựa HDPE cũng không bằng bè gỗ, vì bè gỗ còn có 1 khoảng trống nhất định giữa các ô lồng để thoáng nước, trong khi bè này thì liền nhau luôn, rất bí.

Theo ông Dân, với số tiền vay ngân hàng lên đến gần nửa tỷ đồng như vậy và chỉ được nuôi cá trong khuôn khổ 16 ô lồng thì phải mất khoảng 10 năm trời gia đình ông mới có thể trả hết nợ. Với những gì đang diễn ra, cũng không chắc lồng bè bằng nhựa HDPE có chống chọi được 10 năm để gia đình ông “kéo cày” trả nợ hay không.

“Tôi nuôi trồng thủy sản ở đây đã nhiều năm, đã ăn nằm với sóng gió và am hiểu rõ nếu được lựa chọn thì tôi chỉ đóng bè bằng gỗ thôi. Tôi lo nhất là mùa bão đến có thể sẽ lật, vì các trụ chân đã có hiện tượng ô xi hóa và nhấc ra rồi. Khi được vận động, chúng tôi đã đi đầu trong việc di dời nhưng bây giờ chúng tôi đang là người chết đầu tiên đây”, ông Dân buồn bã.

Vách một chiếc bè nổi mới hoàn thiện đã bị vỡ, ốc vít rỉ sét, ngả nghiêng.

Vách một chiếc bè nổi mới hoàn thiện đã bị vỡ, ốc vít rỉ sét, ngả nghiêng.

Cùng hoàn cảnh những người tiên phong đóng bè nuôi thủy sản bằng nhựa HDPE tại Cát Bà như ông Dân, bà Vũ Thị Thư khẳng định luôn là chất lượng bè mới không đảm bảo như bè bằng gỗ, các mối hàn không đồng nhất.

Từ ngày làm xong đến nay mới được 14 tháng, chưa nuôi cá nhưng nhà đã bị nghiêng về phía trước, phía đơn vị thi công là Công ty Trường Phát đã phải xuống sửa một lần và gia đình đang gọi sửa lần thứ 2.

Theo thiết kế của lồng bè mới rất khó nuôi cá vì rất kín, khó thoát rác hoặc dầu mỡ, chất thải ra ngoài. Mặt khác, bè nhựa HDPE sẽ gây nhiều khó khăn trong quá trình nuôi thủy sản do không có điểm tỳ để kéo lồng, thay lồng nên thu hoạch cá cũng sẽ khó khăn.

“Nhà tôi mới được 14 tháng nhưng đã bị nghiêng về đằng trước, nước biển đã tạt vào trong nhà rồi thì 1 2 năm nữa sẽ như thế nào. Tôi đã báo cả nửa tháng nay rồi nhưng công ty vẫn chưa có người về sửa. Môi trường biển nước mênh mông, nếu các mối hàn bị bật ra, lồng bè tôi bị chìm thì ai sẽ chịu trách nhiệm”, bà Thư lo lắng.

Chi phí cao, nguy hiểm

Theo tìm hiểu, không chỉ có trường hợp hộ ông Dân, bà Thư mà hàng loạt hộ dân nuôi cá lồng, bè ở Cát Bà cũng có ý kiến trái chiều về việc đóng mới lồng, bè nuôi thủy sản bằng nhựa HDPE. Các hộ dân đã có đơn gửi cơ quan chức năng để trình bày những bất cập, tâm tư nguyện vọng của mình để được xem xét thấu đáo.

Chưa đưa vào sử dụng nuôi cả nhưng lối đi lại tại một lồng bè đã bị hư hỏng. Ảnh: Đinh Mười.

Chưa đưa vào sử dụng nuôi cả nhưng lối đi lại tại một lồng bè đã bị hư hỏng. Ảnh: Đinh Mười.

Theo đơn, các hộ dân khẳng định: Sau một thời gian đưa vào hoạt động thực tế, mô hình này đã phát sinh rất nhiều nhược điểm khiến 100% người dân không đồng tình đóng bè HDPE, đặc biệt là những người dân gắn bó nhiều thế hệ lênh đênh sóng nước, với rất nhiều kinh nghiệm của cha ông để lại và những người dân kinh tế khó khăn không dám mạo hiểm đầu tư cả gia sản vào mô hình này.

Lồng HDPE như một lồng nhựa được quây kín, không có chỗ thoát nước mặt, kể cả loại hiện đại nhất, khiến cá bị ngạt nước, không có đủ oxy, váng dầu không thoát được khiến cá chết hàng loạt.

Bên cạnh đó, giá thành 1 nhà bè dùng hoàn toàn HDPE rất cao, loại rẻ nhất chất lượng kém cũng từ 700- 800tr, loại chất lượng tốt tầm 2,3 tỷ đồng gây nhiều khó khăn cho các hộ nuôi cá lồng bè đa phần là khó khăn về kinh tế. Số tiền đóng bè HDPE và bè gỗ chênh nhau rất nhiều.

Với số 16 ô lồng đó nuôi trồng bao nhiêu năm thì mới thu hồi được vốn cũng là một câu hỏi người dân chưa có câu trả lời. Như vậy đã gây khó cho các hộ dân ngay từ lúc đầu tư ban đầu.

Chiếc bè này phao bị sụt, người dân phải gắn mấy chiếc phao vào để giữ cho bè nổi.

Chiếc bè này phao bị sụt, người dân phải gắn mấy chiếc phao vào để giữ cho bè nổi.

Cũng theo người dân, dù mới hoàn thiện được hơn 1 năm, chưa nuôi cá nhưng nhiều bè bị bục, chìm một phần hoặc một nửa dù mới chỉ được vài tháng, có bè bục đắm một bên, giờ những bè còn lại, bè nào cũng hỏng do kết cấu móng dưới bè sử dụng inox sẽ bị nước biển ăn mòn rất nhanh.

Và khi xảy ra sự cố người dân không có cách nào khắc phục tại chỗ để cứu tài sản của họ. Khi bè chìm 1 phần, số cá trong lồng bơi ra hết sẽ gây thất thoát tài sản mà không có cách xử lý kịp thời.

“So với bè gỗ kết hợp phi HDPE thì đây là một nhược điểm rất lớn, với bè truyền thống, hỏng ở đâu chỉ cần thay phi nhựa ở đó là xong còn với bè HDPE là khối liền mà sản xuất tại nhà máy nên không thể xử lý kịp thời khi có sự cố bục, chìm. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn cũng như tài sản của người dân”.

Theo Chi cục Thủy sản Hải Phòng, đề án nuôi trồng thủy sản lồng bè trên Vịnh thuộc quần đảo Cát Bà đã được UBND TP Hải Phòng thông qua và đã giao cho UBND huyện Cát Hải trực tiếp triển khai.

Thông tin từ địa phương cho biết, đến thời điểm hiện tại, đã có 10 hộ dân ở Cát Bà đã triển khai đóng mới lồng bè nuôi thủy sản bằng vật liệu ống nhựa HDPE, tuy nhiên trong đó chỉ có 1 trường hợp được công nhận làm theo đúng hướng dẫn của đề án.

Các trường hợp đóng mới lồng bè trước khi đề án được thông qua, hiện tại đã xuất hiện nhiều bất cập, đã có nhiều phản ánh của người dân liên quan đến an toàn, hư hỏng và chi phí đóng lồng bè mới cao.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email