Thursday, May 2

Cấp mã số vùng nuôi thủy sản: Khó khăn gì? [Bài 4]: Vì sao thủ phủ tôm Bạc Liêu ì ạch?

Ì ạch cấp mã số vùng nuôi tôm

Tỉnh Bạc Liêu được kỳ vọng là sẽ trở thành Trung tâm ngành tôm của cả nước với khoảng 140.000 ha diện tích nuôi. Trong đó, có trên 100.000 ha phải thực hiện cấp mã số vùng nuôi.

Đây là một thách thức không hề nhỏ, nhất là một bộ phận người dân không mặn mà với việc cấp mã số vùng nuôi, cơ sở nuôi. Để công tác này được triển khai hiệu quả, ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu đang quyết liệt triển khai các giải pháp, trước mắt là nâng cao nhận thức của người nuôi.

Bạc Liêu hiện có 49.800 cơ sở nuôi tôm nhưng đến nay mới có khoảng 7% số cơ sở nuôi đăng ký và được cấp mã số vùng nuôi. Ảnh: Trọng Linh.

Bạc Liêu hiện có 49.800 cơ sở nuôi tôm nhưng đến nay mới có khoảng 7% số cơ sở nuôi đăng ký và được cấp mã số vùng nuôi. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, cho biết, mặc dù việc cấp mã số vùng nuôi có tăng so với những năm trước tuy nhiên theo đánh giá của ngành chức năng, tiến độ thực hiện vẫn rất chậm so với thực tế phát triển nuôi trồng thủy sản của tỉnh. Cụ thể, đến nay số cơ sở nuôi tôm đăng ký chỉ chiếm khoảng 7% so với tổng số thực tế khoảng 49.800 cơ sở.

Tính đến cuối tháng 2/2023, toàn tỉnh Bạc Liêu mới có gần 3.500 cơ sở nuôi tôm được cấp mã số vùng nuôi, với diện tích trên hơn 6.600 ha (hơn 9.400 ao nuôi).

Trong đó, thành phố Bạc Liêu có 191 cơ sở với diện tích 230 ha, huyện Hòa Bình có 962 cơ sở với diện tích 600 ha, huyện Đông Hải có 1.140 cơ sở với diện tích 1.729 ha, huyện Vĩnh Lợi có 96 cơ sở với diện tích 140 ha, huyện Hồng Dân 403 cơ sở với 936 ha và huyện Phước Long là 1.244 cơ sở với 2.560 ha…

Theo vị đứng đầu ngành nông nghiệp Bạc Liêu thì nguyên nhân chủ yếu do trong quá trình triển khai, công tác tuyên truyền, hướng dẫn thủ tục đăng ký vùng nuôi đến người dân còn chậm.

Số cơ sở nuôi nhỏ lẻ chiếm đa số, người nuôi chưa hiểu rõ mục đích của việc đăng ký vùng nuôi đối tượng thuỷ sản chủ lực hoặc không chủ động thực hiện các thủ tục do phải chuẩn bị thành phần hồ sơ và đến nộp hồ sơ tại cơ quan cấp tỉnh khá phức tạp.

Ngoài ra, còn liên quan đến tình trạng các cơ sở nuôi tôm không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không chính chủ, không có hợp đồng thuê đất dài hạn… Vì vậy người dân gặp khó khăn khi thiết lập hồ sơ đăng ký nuôi trồng thủy sản.

Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu nhận định, khó khăn lớn nhất khi triển khai công tác cấp mã số nhận diện vùng nuôi trồng thủy sản, trước hết vẫn phải thay đổi được nhận thức của người dân. Làm sao để bà con hiểu việc sản xuất nông nghiệp ở giai đoạn hiện nay không chỉ làm tốt khâu nuôi, trồng mà còn phải gắn với nhiều khâu, minh bạch hóa mới đáp ứng được các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường. Trong đó, truy xuất nguồn gốc là một trong những yêu cầu mang tính bắt buộc, là tiêu chuẩn xuất khẩu của nhiều nước.

Việc cấp mã số vùng nuôi ở Bạc Liêu khá chậm là do số hộ nuôi nhỏ lẻ chiếm đa số và người dân không chủ động thực hiện do chưa hiểu rõ mục đích của việc đăng ký vùng nuôi đối tượng thuỷ sản chủ lực. Ảnh: Trọng Linh.

Việc cấp mã số vùng nuôi ở Bạc Liêu khá chậm là do số hộ nuôi nhỏ lẻ chiếm đa số và người dân không chủ động thực hiện do chưa hiểu rõ mục đích của việc đăng ký vùng nuôi đối tượng thuỷ sản chủ lực. Ảnh: Trọng Linh.

Có thể nói, việc cấp mã số cho cơ sở nuôi tôm, giống như cấp “giấy khai sinh” cho con tôm. Từ mã số vùng nuôi sẽ xác định được chủ cơ sở nuôi tôm cũng như địa chỉ nguồn gốc con tôm. Vì vậy, tỉnh cần có những giải pháp đồng bộ và hữu hiệu để thúc đẩy việc đăng ký và cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Đặc biệt là đáp ứng các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc đảm bảo thủ tục xuất khẩu sang một số nước, nhất là các thị trường khó tín như Mỹ và Trung Quốc.

Do đó, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện đăng ký đối tượng nuôi chủ lực, làm cơ sở nhập vào dữ liệu quốc gia về thủy sản, thực hiện truy xuất nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, đảm bảo các điều kiện xuất khẩu các mặt hàng tôm sang châu Âu và các nước khác, góp phần xuất khẩu tôm Bạc Liêu cán mốc 1 tỷ USD vào năm 2023.

Gỡ khó để đẩy nhanh tiến độ

Ngành nông nghiệp cũng thừa nhận, hồ sơ, thủ tục quy định trong cấp mã số vùng nuôi cũng gây một số khó khăn cho người dân. Vì vậy, song song với việc đẩy mạnh tuyên truyền, ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu cũng kiến nghị cấp trên điều chỉnh một số quy định phù hợp với tình hình thực tế, tạo điều kiện thuận tiện cho người dân làm thủ tục cấp mã số vùng nuôi, cơ sở nuôi.

Song song với việc chuyển giao kỹ thuật, ngành nông nghiệp Bạc Liêu còn tập trung tuyên truyền về tầm quan trọng của việc cấp mã số vùng nuôi thủy sản để người dân hiểu và thực hiện. Ảnh: Trung Chánh.

Song song với việc chuyển giao kỹ thuật, ngành nông nghiệp Bạc Liêu còn tập trung tuyên truyền về tầm quan trọng của việc cấp mã số vùng nuôi thủy sản để người dân hiểu và thực hiện. Ảnh: Trung Chánh.

Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu đã ban hành công văn số 208/SNN-CCTS, gửi các đơn vị về việc đẩy nhanh tiến độ cấp mã số xác nhận cho các đối tượng chủ lực trên địa bàn tỉnh năm 2023. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng đất sang đất nuôi trồng thuỷ sản và các vướng mắc liên quan.

Phối hợp với các cơ quan, tổ chức, nhất là ngành tài nguyên và môi trường để có giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tồn tại. Đối với các Hội, Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp cần tích cực phối hợp, tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở nuôi tôm xuất khẩu thực hiện nghiêm việc đăng ký, cấp mã số theo quy định của Luật Thủy sản.

Nhận thấy được tính chất quan trọng cũng như lợi ích lâu dài của vấn đề cấp mã số vùng nuôi, nhất là khi sản lượng tôm nuôi của Bạc Liêu cần đầu ra rất lớn, các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu quan tâm đến việc xin cấp mã số vùng nuôi.

Các doanh nghiệp, người nuôi tôm cần thực hiện nghiêm việc đăng ký, cấp mã số theo quy định, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm khâu trung gian để giảm giá thành sản xuất, áp dụng các hình thức nuôi có chứng nhận như VietGAP, GlobalGAP, ASC… để nâng cao giá trị sản phẩm.

Đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại đối với tiêu thụ nội địa và các thị trường mới, không sử dụng chất cấm, lạm dụng thuốc, hóa chất trong nuôi tôm.

Nhận thấy lợi ích lâu dài của vấn đề cấp mã số vùng nuôi, các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã bắt đầu quan tâm đến việc xin cấp mã số. Ảnh: Trung Chánh.

Nhận thấy lợi ích lâu dài của vấn đề cấp mã số vùng nuôi, các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã bắt đầu quan tâm đến việc xin cấp mã số. Ảnh: Trung Chánh.

Các doanh nghiệp chế biến cũng cho rằng, việc cấp mã số vùng nuôi, truy xuất nguồn gốc sẽ giúp ổn định nguồn nguyên liệu tôm. Thực tế hiện nay, các doanh nghiệp chỉ tự chủ được khoảng 30 – 40% nguồn nguyên liệu tự sản xuất và quản lý.

Phần còn lại phụ thuộc vào nhiều nguồn thu mua từ các nông hộ nhỏ lẻ. Điều này có thể ảnh hưởng không tốt đến ngành tôm xuất khẩu cả nước nếu không kiểm soát chất lượng và khai báo xuất xứ nguyên liệu rõ ràng. Đây cũng là nguyên nhân hình thành nên các vùng nuôi riêng của doanh nghiệp, những doanh nghiệp thu mua tự do, không đảm bảo truy xuất nguồn gốc thì dễ bị rủi ro.

Do đó, việc đẩy mạnh cấp mã số vùng nuôi được xem là một trong những giải pháp nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng tôm của Bạc Liêu nói riêng, tôm Việt Nam nói chung trên thị trường thế giới và cần được tỉnh Bạc Liêu quan tâm cũng như triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hữu hiệu hơn.

“Việc cấp mã số vùng nuôi còn là cơ sở pháp lý để cơ quan Nhà nước quản lý vùng nuôi, các điều kiện an toàn thực phẩm. Những năm gần đây, các thị trường nhập khẩu, nhất là các thị trường khó tính rất quan tâm đến công tác truy xuất nguồn gốc. Nếu không đáp ứng đủ các điều kiện này, có khả năng một số thị trường sẽ không nhập khẩu tôm Việt Nam nói chung, tôm của tỉnh Bạc Liêu nói riêng. Lúc ấy, số lượng tôm nuôi không có mã số sẽ có nguy cơ đối mặt với việc không có thị trường tiêu thụ”, ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email