Wednesday, May 15

Cá tra đối mặt với tồn kho và giá thành tăng cao

Giá thức ăn tăng đã làm giá thành nuôi cá tra tăng cao. Ảnh: Sơn Trang.

Giá thức ăn tăng đã làm giá thành nuôi cá tra tăng cao. Ảnh: Sơn Trang.

Cá tra là một trong những mặt hàng thủy sản giảm mạnh nhất về giá trị xuất khẩu. Chia sẻ tại Hội thảo quốc tế ngành cá tra do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức, bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông của VASEP, cho biết, tính đến hết tháng 7/2023, xuất khẩu cá tra chỉ đạt 1 tỷ USD, giảm 37% so với cùng kỳ 2022.

Các nguyên nhân chính làm kim ngạch xuất khẩu cá tra giảm mạnh là lạm phát cao, kinh tế khó khăn trên toàn cầu dẫn tới sức mua giảm, nhất là ở những thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc …

Bên cạnh đó, có một nguyên nhân quan trọng là lượng cá tra tồn kho còn lớn ở một số thị trường nhập khẩu. Nguyên nhân là do trong nửa đầu 2022, sau khi ra khỏi Covid, nền kinh tế thế giới có dấu hiệu hồi phục, dẫn tới việc các nhà nhập khẩu ồ ạt nhập cá tra với kỳ vọng sẽ tăng mạnh được doanh số trong nửa cuối năm 2022. Tuy nhiên, trong nửa cuối năm 2022, do nhiều nguyên nhân mà tình hình thị trường không như dự đoán, khiến cho tồn kho cá tra rất cao và tình trạng này kéo dài tới nửa đầu 2023.

Không chỉ tồn kho ở các nhà nhập khẩu, xuất khẩu giảm mạnh cũng đang gây ra tình trạng tồn kho cá tra trong nước.

Theo ông Ong Hàng Văn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Trường Giang, do nhu cầu xuất khẩu giảm sút nên một lượng lớn cá tra dưới ao vượt quá trọng lượng tiêu chuẩn là 900 gram – 1 kg lên 1,5 kg. Điều này khiến lượng tồn kho thời gian tới sẽ càng tăng thêm, khiến cho dòng tiền của doanh nghiệp bị tắc nghẽn.

Giá thành sản xuất cá tra tăng cao, cũng đang khiến cho xuất khẩu cá tra càng khó khăn hơn. Ông Văn cho biết, những năm trước đây, giá thành nuôi cá tra nguyên liệu tương đương với 1 USD/kg. Trong thời gian qua, giá thức ăn cá tra tăng đáng kể, từ mức 10.000 đồng/kg trước dịch Covid, tăng lên tới 13.000 đồng/kg. Giá thức ăn khiến cho cơ cấu thức ăn trong giá thành nuôi cá tra cũng tăng mạnh, từ 55% lên 75%.

Nông dân chuẩn bị cho cá tra ăn ở Đồng Tháp. Ảnh: Sơn Trang.

Nông dân chuẩn bị cho cá tra ăn ở Đồng Tháp. Ảnh: Sơn Trang.

Hiện tại, giá thành cá tra nguyên liệu ở mức 1,2 USD/kg. Trong khi đó, giá bán cho một số nơi chỉ 1,1 USD/kg. Tính ra, chỉ riêng người nuôi đã lỗ 10 cent/kg mà chưa tính đến chi phí chế biến của các nhà máy. Không những thế, với giá thành 1,2 USD/kg, cá tra khó cạnh tranh được với một số loại cá khác như cá minh thái trên thị trường cá thịt trắng thế giới.

Để giảm giá thành cá tra, ông Văn cho rằng, các doanh nghiệp ngành cá tra nên ngồi lại với nhau để cân đối lại mùa vụ cho năm sau, có thể thu hoạch vào quý 2/2024. Mỗi doanh nghiệp có một biện pháp riêng nhưng tổng thể là giảm mật độ nuôi, tránh dịch bệnh, tăng trọng lượng nhanh và hệ số chuyển đổi thức ăn cho 1 kg cá (FCR) thấp, qua đó giúp giá thành nuôi cá tra thấp.

Ông Văn nhấn mạnh: “Chúng ta phải cố gắng kéo giá thành xuống ở hai yếu tố là giảm tỷ lệ cá chết và giảm chi phí thức ăn. Tỷ lệ cá chết hiện nay còn quá cao, lên tới 60%, do môi trường và con giống chưa đảm bảo. Hầu hết cơ sở sản xuất cá tra giống không được kiểm soát chặt chẽ, nhiều cơ sở lạm dụng thuốc kháng sinh khiến con giống ngày một suy yếu, thoái hóa”.

Bà Lê Hằng nhận định xuất khẩu cá tra trong quý 3 sẽ vẫn khó khăn. Giá cá tra xuất khẩu thấp đang tiềm ẩn nguy cơ sụt giảm lợi nhuận ở các doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn có thể hy vọng giá cá tra xuất khẩu nửa cuối năm sẽ cao hơn so với nửa đầu năm và nhu cầu từ thị trường Trung Quốc sẽ ấm dần lên. Dự báo cả năm 2023, kim ngạch xuất khẩu cá tra có thể đạt 1,7 tỷ USD, giảm 30% so với năm 2022.

Ông Ong Hàng Văn cho rằng các doanh nghiệp cần cố gắng vượt qua 5 tháng còn lại của năm 2023 trước khi bước vào giai đoạn ổn định hơn năm 2024. Giải pháp cần thiết hiện tại là giảm tồn kho và giảm sản lượng nuôi trồng, thu hoạch vào quý 2/2024.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email