Monday, April 29

Bất cập về nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng đã được tháo gỡ

Nước thải chăn nuôi là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường chăn nuôi ở nước ta. Nhìn từ góc độ kinh tế tuần hoàn, nước thải chăn nuôi còn là nguồn tài nguyên hữu cơ có giá trị cho cây trồng. Do vậy, nếu xử lý nước thải chăn nuôi làm nguồn nước tưới cho cây trồng sẽ vừa giúp giảm chi phí xử lý nước thải, lại vừa giúp tăng thu nhập cho người dân thông qua giảm sử dụng phân bón vô cơ.

Tỉ lệ các cơ sở chăn nuôi ủ phân hữu cơ từ chất thải chăn nuôi hiện rất khiêm tốn do thực hiện gặp nhiều khó khăn. Ảnh: VĐT.

Tỉ lệ các cơ sở chăn nuôi ủ phân hữu cơ từ chất thải chăn nuôi hiện rất khiêm tốn do thực hiện gặp nhiều khó khăn. Ảnh: VĐT.

Việc tái sử dụng nước thải chăn nuôi cho trồng trọt hiện nay ở nước ta đang bị hạn chế rất nhiều do thiếu hành lang pháp lý nhằm thúc đẩy áp dụng các công nghệ trong lĩnh vực này. Đặc biệt, việc chậm trễ trong ban hành quy chuẩn (QCVN) trong sử dụng nước thải chăn nuôi cho trồng trọt khiến nông dân (cả trong chăn nuôi lẫn trồng trọt) gặp nhiều khó khăn trong xử lý nước thải chăn nuôi hiệu quả và tái sử dụng nguồn tài nguyên nước thải chăn nuôi để phát triển kinh tế.

Quy định về nước thải vẫn “bắt bí” người chăn nuôi

Theo điều tra của Dự án LCASP năm 2020, nguồn nước thải chăn nuôi chủ yếu từ nuôi lợn thịt và bò sữa. Lượng nước sử dụng trung bình là 30 – 40 lít nước/ngày/lợn thịt và 100 – 120 lít nước/ngày/bò sữa. Lượng nước thải ra hàng năm từ nuôi lợn thịt và bò sữa ước vào khoảng 285 triệu m3/ năm. Đây là lượng nước thải khổng lồ chứa nhiều chất dinh dưỡng có thể sử dụng trong trồng trọt.

Cũng theo kết quả khảo sát của Dự án LCASP năm 2020, hầu hết lượng nước thải này không được sử dụng cho mục đích trồng trọt mà được đưa qua các hệ thống xử lý nước thải khá tốn kém trước khi thải ra môi trường.

Hiện nay, ngoại trừ các doanh nghiệp lớn, đa số các trang trại chăn nuôi áp dụng công nghệ hầm biogas để xử lý nước thải, song vẫn không thể đáp ứng quy định. Ảnh: TL.

Hiện nay, ngoại trừ các doanh nghiệp lớn, đa số các trang trại chăn nuôi áp dụng công nghệ hầm biogas để xử lý nước thải, song vẫn không thể đáp ứng quy định. Ảnh: TL.

Để đảm bảo nước thải đầu ra đạt tiêu chuẩn theo quy định tại QCVN 62-MT:2016/BTNMT (viết tắt là QCVN 62), đa số các trang trại chăn nuôi lợn thịt phải đầu tư các công trình khí sinh học bao gồm các hầm biogas dung tích lớn và hệ thống các hồ lắng, hồ lọc, hồ sinh học sau biogas. Các doanh nghiệp chăn nuôi bò sữa lớn như Vinamilk, TH Truemilk… phải đầu tư các hệ thống lọc nước thải có chi phí lên tới hàng chục tỷ đồng.

Bên cạnh các chi phí đầu tư công trình xử lý nước khá tốn kém, một lượng chi phí không nhỏ cho vận hành bảo dưỡng các công trình xử lý nước thải cũng làm nản lòng các doanh nghiệp. Theo báo cáo của Vinamilk và TH Truemilk năm 2020, các doanh nghiệp này phải chi từ 22.000 – 30.000 đồng để xử lý 1m3 nước thải chăn nuôi đáp ứng QCVN 62.

Câu hỏi lớn đã được đặt ra từ nhiều trang trại chăn nuôi lợn và các doanh nghiệp chăn nuôi bò sữa là tại sao người chăn nuôi không thể tái sử dụng một lượng lớn tài nguyên nước thải chăn nuôi quý giá cho mục đích trồng trọt mà phải bỏ ra một lượng chi phí khổng lồ để lọc thật sạch nước thải chăn nuôi này nhằm đáp ứng QCVN 62 trước khi xả ra môi trường?

Xử lý nước thải chăn nuôi đến nay vẫn đang có bài toán hóc búa dành cho các trang trại, nhất là các trang trại nhỏ đang chiếm đa số trong ngành chăn nuôi Việt Nam.

Xử lý nước thải chăn nuôi đến nay vẫn đang có bài toán hóc búa dành cho các trang trại, nhất là các trang trại nhỏ đang chiếm đa số trong ngành chăn nuôi Việt Nam.

Hiện nay, rất nhiều trang trại chăn nuôi muốn xử lý để tái sử dụng nước thải cho các trang trại trồng trọt lân cận nhưng cũng không thể thực hiện được do không có các tiêu chuẩn về nước thải chăn nuôi sử dụng trong trồng trọt.

Việc bắt người chăn nuôi phải đầu tư để lọc nước thải nhằm đáp ứng QCVN 62 để xả ra môi trường đã trở nên bất khả thi với rất nhiều trang trại chăn nuôi lợn thịt và bò sữa có chi phí đầu tư cho xử lý môi trường thấp.

Thực tế, các công trình biogas của rất nhiều trang trại chăn nuôi không thể đáp ứng xử lý nước thải theo yêu cầu của QCVN 62. Do vậy, các trang trại luôn bị đặt trong tình trạng vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường nếu bị kiểm tra. Mặc dù hầu hết các chủ trang trại chăn nuôi rất mong muốn tuân thủ pháp luật về môi trường, song vẫn chưa có đủ công nghệ, chi phí đầu tư và hành lang pháp lý để thực hiện.

Rất nhiều người cho rằng, việc sử dụng nước thải chăn nuôi tưới cho cây trồng đã được nông dân nước ta thực hiện từ hàng trăm năm nay, tại sao đến bây giờ một việc đơn giản như vậy lại không thể làm được? Để làm rõ quan điểm này, Dự án LCASP xin nêu ví dụ thực tế tại 2 trang trại chăn nuôi lợn và bò sữa của ông Nguyễn Văn Thi tại Bình Định và Công ty TH Truemilk.

Ông Nguyễn Văn Thi là chủ trang trại chăn nuôi khoảng 4.000 lợn thịt trên diện tích đất cát cằn cỗi khoảng 10ha ở xã Cát Lâm, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Từ trước đến nay, ông vẫn dùng nước thải sau biogas để tưới cho 8ha rừng keo, vừa giúp cây sinh trưởng tốt mà không gây ô nhiễm môi trường. Hoạt động này của ông đã giúp cải tạo diện tích đất cát cằn cỗi trở nên màu mỡ hơn.

Các cơ sở chăn nuôi lâu nay vẫn đang 'sống chung' với cảnh loay hoay, nơm nớp sợ bị kiểm tra vì nước thải chăn nuôi của họ khó có thể đáp ứng các yêu cầu, quy định hiện hành.

Các cơ sở chăn nuôi lâu nay vẫn đang “sống chung” với cảnh loay hoay, nơm nớp sợ bị kiểm tra vì nước thải chăn nuôi của họ khó có thể đáp ứng các yêu cầu, quy định hiện hành.

Tuy nhiên, sau khi đoàn kiểm tra môi trường đến kiểm tra năm 2019, cán bộ quản lý môi trường đã cho rằng nước thải sau biogas của trang trại không đáp ứng QCVN 62 và yêu cầu ông dừng hoạt động chăn nuôi. Để được tiếp tục chăn nuôi, đoàn kiểm tra đã đề nghị ông phải đầu tư một cơ sở lọc nước khoảng 500 triệu đồng để lọc nước thải sau biogas nhằm đáp ứng QCVN 62 trước khi được phép tưới cho cây keo hoặc dẫn đường ống xả ra suối gần đó. Theo ông Thi, việc đầu tư này rất tốn kém và không mang lại lợi ích gì nhưng ông vẫn phải làm để được phép chăn nuôi.

Ông Ngô Tiến Dũng ở Công ty Cổ phần chuỗi thực phẩm TH (TH Truemilk) cho biết, hiện công ty đang rất muốn xử lý nước thải chăn nuôi làm nguồn nước dinh dưỡng để tưới cỏ làm thức ăn cho bò nhưng để đáp ứng QCVN 62 hoặc tiêu chuẩn B1 của QCVN 08-MT:2015/BTNMT (viết tắt là QCVN 08) thì nước thải sau xử lý sẽ “trong như nước mưa” và không còn giá trị phân bón nữa. Công ty cũng đã có kiến nghị lên các cấp chính quyền, thậm chí tới cả Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xin tháo gỡ vấn đề này cho doanh nghiệp nhưng nhiều năm đã trôi qua, đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Cần sớm có quy chuẩn

Hiện nay, nước thải chăn nuôi không thể liệt kê vào hạng mục phân bón do hàm lượng dinh dưỡng không đáp ứng các tiêu chuẩn về quản lý phân bón. Mặt khác, nước thải chăn nuôi cũng không thể đưa vào hạng mục nước tưới cho hệ thống tưới tiêu công cộng do đòi hỏi các tiêu chuẩn cao hơn.

Thiếu quy chuẩn về nước thải chăn nuôi phục vụ cho trồng trọt đang gây ra sự 'lãng phí kép' khi chăn nuôi phải gánh chi phí rất cao để xử lý chất thải, trong khi trồng trọt lại đang rất thiếu nguồn phân bón hữu cơ.

Thiếu quy chuẩn về nước thải chăn nuôi phục vụ cho trồng trọt đang gây ra sự “lãng phí kép” khi chăn nuôi phải gánh chi phí rất cao để xử lý chất thải, trong khi trồng trọt lại đang rất thiếu nguồn phân bón hữu cơ.

Việc ban hành các tiêu chuẩn về sử dụng nước thải chăn nuôi dùng cho trồng trọt cần được cân nhắc kỹ về các tác động lâu dài đến môi trường nhằm đảm bảo người chăn nuôi không lợi dụng để xả thải gây ô nhiễm môi trường. Hơn nữa, đối với mỗi loại cây trồng khác nhau, cần thiết có các chỉ tiêu khác nhau để đảm bảo an toàn vệ sinh (ví dụ tưới cho cây rừng và cây công nghiệp có thể có các chỉ tiêu về vi sinh, BOD, COD cao hơn so với các loại cây dược liệu, rau ăn lá…).

Một số chuyên gia cho rằng, việc lưu trữ và sử dụng nước thải chăn nuôi trong khuôn viên các trang trại chăn nuôi và trồng trọt cần thiết phải có sự quản lý theo các tiêu chuẩn khác, không thể sử dụng QCVN 62 hay QCVN 08 vì việc lưu trữ nước thải chăn nuôi này là để tiếp tục xử lý nhằm tái sử dụng, tương tự như việc môi trường trong các cơ sở sản xuất không thể đòi hỏi có nồng độ ô nhiễm tương đương với môi trường công cộng. Tuy nhiên, do chưa có các QCVN điều chỉnh nên các đoàn kiểm tra môi trường không có cơ sở để chấp nhận cho việc tái sử dụng nước thải chăn nuôi trong trồng trọt, kể cả trong các khuôn viên trang trại.

Thiết nghĩ ngành nông nghiệp cần phải sớm ban hành QCVN về nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng để người dân đầu tư các công nghệ nhằm tái sử dụng nguồn tài nguyên này cho mục đích trồng trọt. Đây là đang bất cập rất lớn trong quá trình quản lý môi trường chăn nuôi nói chung và thực hiện QCVN 62 nói riêng, dẫn đến gây “lãng phí kép”, người chăn nuôi vừa mất chi phí xử lý nước thải rất tốn kém, trong khi lại lãng phí nguồn tài nguyên phân bón hữu cơ cho ngành trồng trọt.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email