Friday, April 26

2 tháng, 4 vụ sạt lở nghiêm trọng bờ sông Ô Môn

Vụ sạt lở bờ sông Ô Môn chiều dài 40m, ăn sâu vào bờ 6m vào sáng ngày 24/5 đoạn thuộc ấp Thới Khánh, xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai (TP Cần Thơ). Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Vụ sạt lở bờ sông Ô Môn chiều dài 40m, ăn sâu vào bờ 6m vào sáng ngày 24/5 đoạn thuộc ấp Thới Khánh, xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai (TP Cần Thơ). Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Xuất hiện nhiều điểm sạt lở bờ sông

Vào khoảng 0h ngày 24/5, sông Ô Môn phía bờ trái đoạn thuộc ấp Thới Khánh, xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai (TP Cần Thơ) đã xảy ra sạt lở, sụt lún với chiều dài 40m, ăn sâu vào bờ 6m, làm chia cắt giao thông qua khu vực này, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.

Đồng thời, có 2 căn nhà tường kiên cố, mái tole của ông Nguyễn Thanh Hùng và ông Phùng Vĩnh Xuân ở ấp Thới Khánh bị sụp xuống sông, gia đình 2 hộ đã di dời đồ đạc trước nên không thiệt hại về người. Đây là vụ sạt lở thứ 4 xảy ra trong tháng 4 và tháng 5/2023 trên bờ sông Ô Môn thuộc xã Thới Thạnh, Tân Thạnh và Thị trấn Thới Lai.

Sáng cùng ngày, Chủ tịch UBND huyện Thới Lai, ông Nguyễn Thành Út có mặt tại hiện trường chỉ đạo lực lượng cứu hộ nhanh chóng rào chắn để người dân không qua lại khu vực nguy hiểm; giăng dây cảnh báo nguy hiểm tại khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở để không cho người dân lui tới. Đồng thời tổ chức hướng dẫn và tạo lối đi tạm, an toàn cho người dân tại địa phương.

Chính quyền vận động người dân di dời vật kiến trúc, hàng rào ra khỏi khu vực sạt lở và gần khu vực sạt lở, đốn hạ cây xanh, không chất tải nhằm hạn chế sạt lở tiếp tục xảy ra… Tại đây, UBND huyện Thới Lai đã hỗ trợ 2 hộ có nhà thiệt hại, mỗi hộ 5 triệu đồng.

Ngày 20/5, trên tuyến sông Ô Môn qua ấp Thới Phước 1, xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai xảy ra sạt lở, sụt lún với chiều dài 55m, ăn sâu vào bờ 8m và có nguy tiếp tục sạt lở thêm một đoạn dài 50m, thiệt hại khoảng 80 triệu đồng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ngày 20/5, trên tuyến sông Ô Môn qua ấp Thới Phước 1, xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai xảy ra sạt lở, sụt lún với chiều dài 55m, ăn sâu vào bờ 8m và có nguy tiếp tục sạt lở thêm một đoạn dài 50m, thiệt hại khoảng 80 triệu đồng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

UBND huyện Thới Lai kiến nghị UBND TP Cần Thơ và Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự – Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Cần Thơ hỗ trợ kinh phí để huyện khắc phục các điểm sạt lở, đảm bảo phương tiện và người dân lưu thông an toàn, giữ ổn định cuộc sống cho người dân quanh khu vực tại điểm sạt lở. Đồng thời đề nghị thành phố có lộ trình đầu tư xây dựng 13 điểm tiềm ẩn nguy cơ sạt lở rất cao trên đoạn sông Ô Môn với chiều dài khoảng 7,1km.

Trước đó, khoảng 2h sáng 20/5, trên tuyến sông Ô Môn đoạn qua ấp Thới Phước 1, xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai xảy ra sạt lở, sụt lún với chiều dài 55m, ăn sâu vào bờ 8m và có nguy tiếp tục sạt lở thêm một đoạn dài 50m, thiệt hại khoảng 80 triệu đồng. Vụ sạt lở đã làm tuyến đường bê tông rộng 4m bị sụp xuống sông, làm chia cắt giao thông qua khu vực này.

Vào ngày 2/4, cũng tại vị trí trên đã bị sạt lở với chiều dài 80m. Chính quyền địa phương đã tiến hành rào chắn để người dân không đi vào khu vực nguy hiểm, đồng thời cho gia cố tạm bằng cừ tràm, bạt ni lông nhằm hạn chế sạt lở tiếp tục ăn sâu vào đất liền.

Cũng trên sông Ô Môn, đoạn qua ấp Thới Hòa A, thị trấn Thới Lai hiện có một đoạn dài khoảng 30m đang bị sạt lở nghiêm trọng, chia cắt giao thông, gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân và đã xảy ra 3 vụ tai nạn giao thông, UBND thị trấn Thới Lai đã gia cố vị trí bị lún, sụt để phục vụ tạm cho người dân đi lại.

Ông Nguyễn Thành Út, Chủ tịch UBND huyện Thới Lai cho biết, trong thời gian chờ chủ trương của thành phố đầu tư xây dựng kè kiên cố, UBND huyện đã ban hành quyết định xây dựng kè chống sạt lở khẩn cấp ở hai điểm sạt lở nêu trên với kinh phí dự kiến khoảng 2 tỷ đồng.

Kè được thi công với kết cầu cừ tràm, cừ dừa, lưới thép B40, thảm rọ đá nhằm ngăn chặn sạt lở tiếp tục mở rộng, lấn sâu vào nhà dân phía bên trong cũng như khôi phục giao thông tại các khu vực này.

Chưa đầy 2 tháng, trên tuyến sông Ô Môn đã có 4 vụ sạt lở bờ sông nghiêm trọng làm hư hỏng đường giao thông, nhà cửa, tài sản của người dân. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Chưa đầy 2 tháng, trên tuyến sông Ô Môn đã có 4 vụ sạt lở bờ sông nghiêm trọng làm hư hỏng đường giao thông, nhà cửa, tài sản của người dân. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Lãnh đạo UBND huyện Thới Lai cũng kiến nghị UBND thành phố và Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ hỗ trợ kinh phí để huyện khắc phục các điểm sạt lở đảm bảo phương tiện và người dân lưu thông an toàn, giữ ổn định cuộc sống cho người dân quanh khu vực tại điểm sạt lở.

Đồng thời, đề nghị thành phố có lộ trình đầu tư xây dựng 13 điểm tiềm ẩn nguy cơ sạt lở rất cao trên đoạn sông Ô Môn với chiều dài khoảng 7,1km.

Tại quận Bình Thủy, UBND quận cũng có văn bản kiến nghị thành phố hỗ trợ kinh phí khắc phục điểm sạt lở bờ sông Trà Nóc tại khu vực Thới Thuận, phường Thới An Đông. Đoạn sạt lở này có chiều dài 100m, trong đó 50m đã bị sạt hoàn toàn, làm sụt tuyến đường giao thông nông thôn ven sông. Hiện xe cộ không thể di chuyển qua khu vực này đồng thời đang có dấu hiệu tiếp tục lấn sâu vào bờ, đe dọa đến các ngôi nhà bên trong.

Phân bổ kinh phí gia cố, khắc phục các điểm sạt lở

Trước tình hình sạt lở nghiêm trọng hai bên bờ sông ở huyện Thới Lai và quân Bình Thủy, Ô Môn…ngày 23/5 Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè có chuyến đi khảo sát thực tế và yêu cầu chính quyền địa phương, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn huyện Thới Lai, quận Bình Thủy và Ô Môn kiểm tra rào chắn, giăng dây cảnh báo nguy hiểm tại khu vực sạt lở và có nguy cơ sạt lở để không cho người dân lui tới, tránh nguy hiểm.

Tổ chức hướng dẫn và tạo lối đi tạm, an toàn cho người dân tại địa phương, vận động người dân di dời vật kiến trúc, hàng rào ra khỏi khu vực sạt lở và gần khu vực sạt lở, đốn hạ cây xanh, không chất tải nhằm hạn chế sạt lở tiếp tục xảy ra…

Đặc biệt, Chi cục Thủy lợi (Sở NN-PTNT TP Cần Thơ) ghi nhận, kiến nghị địa phương, tham mưu thành phố xem xét, phân bổ kinh phí gia cố, xây dựng công trình khắc phục tại các điểm sạt lở trên. Các quận, huyện tổ chức kiểm tra, rà soát bờ sông, kênh, rạch ngay trong đầu mùa mưa bão, đồng thời kịp thời vận động người dân sống khu vực có nguy cơ sạt lở di dời đến nơi ở an toàn. Thực hiện các giải pháp ngăn ngừa, xây dựng kè tạm, kè sinh học, nhằm hạn chế sạt lở xảy ra, đảm bảo an toàn giao thông, đi lại của người dân.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email