Tuesday, April 30

Xuất hiện tâm lý e ngại khi nghiên cứu khoa học bởi khúc mắc đầu ra

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cùng đoàn công tác Bộ NN-PTNT làm việc với Viện Chăn nuôi ngày 9/6. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cùng đoàn công tác Bộ NN-PTNT làm việc với Viện Chăn nuôi ngày 9/6. Ảnh: Bảo Thắng.

145 nhiệm vụ được triển khai trong nửa đầu 2023

Báo cáo đoàn công tác của Bộ NN-PTNT, Viện trưởng Viện Chăn nuôi Phạm Công Thiếu cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2023, Viện đã triển khai 145 nhiệm vụ các cấp, trong đó 11 nhiệm vụ cấp nhà nước và 44 nhiệm vụ cấp Bộ.

Đồng thời, Viện tham gia chuyển giao công nghệ, hợp tác nghiên cứu thực hiện 57 nhiệm vụ khoa học công nghệ với các doanh nghiệp, địa phương, phối hợp viện trường và các đề tài cơ sở. Viện đã phê duyệt thuyết minh 33 nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng năm 2023 cho toàn khối Viện.

Viện đã tổ chức tư vấn, đánh giá các nhiệm vụ KHCN bắt đầu triển khai thực hiện năm 2024 và đã được Bộ NN-PTNT phê duyệt, 3 đề tài, 2 dự án sản xuất thử và 1 đề tài tiềm năng. Đến nay, các đề xuất đã hoàn thiện hồ sơ về Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, đang chuẩn bị thẩm định nội dung và tài chính.

Theo Viện trưởng Thiếu, Viện Chăn nuôi có nghiên cứu toàn diện về các giống lợn, gia cầm, dê cừu, bò thịt, trâu theo hướng phát triển nguồn gen bản địa, chọn tạo thích ứng với điều kiện chăn nuôi tại Việt Nam, nâng cao năng suất chất lượng, phù hợp với thị hiếu thị trường.

Đặc biệt, Viện đã tiến hành bảo tồn 15 nguồn gen vật nuôi như lợn Chư Prông, lợn đen Sông Hinh, lợn lang hồng, ngựa Mường Lống, gà tây Kỳ Sơn, gà lông chân, gà lùn Cao Sơn, gà lông xù, gà Mã Đà, vịt Mường Khiêng, vịt bầu Nghĩa Đô, vịt Cỏ Trùng Khánh, ngan xám, ngỗng cỏ, ong khoái và ong đá.

Viện đã và đang triển khai đúng tiến độ, hiệu quả 11 dự án hợp tác quốc tế. 2 trong số đó do viện chủ trì thực hiện.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Viện Chăn nuôi có 5 đề tài, dự án đã được nghiệm thu cấp Bộ theo đúng kế hoạch. Ảnh: Bảo Thắng.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Viện Chăn nuôi có 5 đề tài, dự án đã được nghiệm thu cấp Bộ theo đúng kế hoạch. Ảnh: Bảo Thắng.

Cảm ơn sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ NN-PTNT cũng như sự phối hợp, đồng hành của các đơn vị trong Bộ, Viện trưởng Phạm Công Thiếu cho biết thêm, do ảnh hưởng của nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, đời sống của nhiều cán bộ viên chức và người lao động ở hầu hết các đơn vị thuộc viện còn khó khăn.

Nguyên nhân bởi người dân tiết kiệm chi tiêu, sức mua của đồng tiền giảm. Bên cạnh đó, giá gà, vịt giống tiếp tục xuống thấp (giá gà 1 – 2 ngày tuổi còn 1.500 – 2.000 đồng/con, giá vịt là 3.000 – 4.000 đồng/con). Tiền bán giống không đủ chi phí sản xuất, sản phẩm không bán được làm tăng chi phí sản xuất nên kết quả chuyển giao chưa đạt kế hoạch đề ra.

Ông Thiếu cũng nêu khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác nghiên cứu, sản xuất dịch vụ tại một số đơn vị như khu vực Thụy Phương, trại heo Bình Thắng xuống cấp, có nguy cơ không đảm bảo quy định vệ sinh thú y và môi trường trong tương lai do tốc độ đô thị hóa nhanh, các khu dân cư ngày càng phát triển sát với cơ sở chăn nuôi.

Về một số tồn tại, người đứng đầu Viện Chăn nuôi nhận xét, nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là nhân lực có học hàm, học vị của toàn khối viện thiếu hụt. Việc tuyển lao động phổ thông, kỹ sư trẻ khó khăn, trong khi nhiều cán bộ khoa học có kinh nghiệm xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác.

TS. Phạm Công Thiếu nhấn mạnh tới Nghị định 70/2018-NĐ-CP về quy định việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Do có nhiều bất cập với tình hình hiện tại, nên đã hạn chế việc chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chưa phát huy hết tiềm năng các sản phẩm nghiên cứu của viện.

Được sự khuyến khích của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, đại diện các phòng, viện, trung tâm thuộc Viện Chăn nuôi chia sẻ tâm tư, nguyện vọng tại buổi làm việc.

Hai ý chính được nhấn mạnh, đó là xuất hiện tâm lý e ngại khi nghiên cứu khoa học bởi khúc mắc về sản phẩm đầu ra, số lượng sản phẩm bán, chuyển giao giảm mạnh sau Covid-19. Ngoài ra, đại diện các đơn vị thuộc Viện Chăn nuôi kiến nghị Bộ NN-PTNT có cơ chế đặc thù cho những cán bộ dám nghĩ, dám làm trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Viện trưởng Phạm Công Thiếu báo cáo kết quả hoạt động của Viện Chăn nuôi và một số định hướng trong nửa cuối năm 2023. Ảnh: Bảo Thắng.

Viện trưởng Phạm Công Thiếu báo cáo kết quả hoạt động của Viện Chăn nuôi và một số định hướng trong nửa cuối năm 2023. Ảnh: Bảo Thắng.

Lưu ý nguồn phụ phẩm nông nghiệp

Trao đổi với viện, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng công trình Nguyễn Hoài Nam cho biết, Viện Chăn nuôi hiện có 8 dự án nằm trong danh mục đầu tư. Cụ thể: 3 dự án đã thi công, 2 dự án đang chờ thẩm định, phê duyệt và 3 dự án đang trong khâu thiết kế.

Đánh giá các dự án của viện được triển khai nhanh, làm đến đâu chắc đến đấy, ông Nam lưu ý Viện Chăn nuôi tập trung giải ngân trước ngày 20/6. Đồng thời, Phó Cục trưởng hứa hỗ trợ nguồn lực để viện tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công.

Tăng cường cơ sở vật chất là một trong những vấn đề được lãnh đạo Viện Chăn nuôi quan tâm. Trong 3 kiến nghị được viện gửi tới Thứ trưởng Phùng Đức Tiến trong buổi làm việc, ưu tiên số một là tiếp tục được xây dựng kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2026-2030, để đủ sức đáp ứng nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Viện trưởng Phạm Công Thiếu cũng kiến nghị Bộ NN-PTNT có giải pháp tháo gỡ vướng mắc về thủ tục cho các đơn vị thực hiện nhiệm vụ công nuôi giữ giống gốc, đồng thời đẩy nhanh tiến độ triển khai các đề tài, dự án cấp Nhà nước đã được phê duyệt.

Với riêng Cục Chăn nuôi, ông Thiếu đề nghị Cục phối hợp chặt chẽ thông qua việc đặt hàng, cụ thể là lên sẵn một danh sách đầu bài cho Viện. Theo vị viện trưởng, Cục Chăn nuôi là đơn vị quản lý nhà nước, có nhiều điều kiện tiếp xúc với thực tiễn nên yêu cầu về sản phẩm đầu ra sẽ sát với thị trường.

Ngoài ra, Viện Chăn nuôi mong muốn Bộ NN-PTNT có cơ chế, ưu tiên để phát triển nguồn nhân lực, giúp cán bộ tâm huyết, say sưa với nghề, yên tâm công tác.

“Với định hướng nghiên cứu những sản phẩm có tính ứng dụng cao, dễ triển khai, Viện luôn ưu tiên nguồn lực cho các đơn vị trực thuộc xây dựng, phát triển cơ sở vật chất, nhằm đáp ứng với đòi hỏi ngày càng cao của xã hội”, ông Thiếu nói.

Giám sát quá trình đông lạnh tinh trùng vật nuôi tại phòng thí nghiệm của Viện Chăn nuôi. Ảnh: Bảo Thắng.

Giám sát quá trình đông lạnh tinh trùng vật nuôi tại phòng thí nghiệm của Viện Chăn nuôi. Ảnh: Bảo Thắng.

Đánh giá cao những nỗ lực của Viện Chăn nuôi thời gian qua khi liên tục sản xuất, chuyển giao được những giống mới năng suất, chất lượng, phục vụ trực tiếp sản xuất, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhắc các nhà khoa học của viện xác định rõ đầu ra sản phẩm từ khi nghiên cứu.

“Sản phẩm sau nghiên cứu là để bán cho bà con nông dân, hay để phục tráng, bảo tồn nguồn gen, xuất khẩu hay định hướng chăn nuôi quy mô công nghiệp. Tất cả phải xác định từ khi đặt đầu bài”, Thứ trưởng bày tỏ.

Kêu gọi cán bộ, công nhân viên của Viện Chăn nuôi bỏ tư duy bao cấp, tự đứng bằng đôi chân của chính mình như các doanh nghiệp, lãnh đạo Bộ NN-PTNT hứa nghiên cứu, xem xét cơ chế thí điểm cho hoạt động nghiên cứu khoa học, đồng thời sẽ tái tổ chức, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ khoa học công nghệ.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng lưu ý, Viện Chăn nuôi về nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp hiện rất lớn. Đây là cơ sở cho ngành nông nghiệp thực hiện các mô hình tuần hoàn, sản xuất xanh, giảm phát thải và là dư địa cho các nghiên cứu có tính ứng dụng của các đơn vị nghiên cứu, trong đó có Viện Chăn nuôi.

Về các kiến nghị của viện, Thứ trưởng chia sẻ, Bộ NN-PTNT đã triển khai Chiến lược Phát triện khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của ngành đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.

Cùng với đó, Bộ NN-PTNT đã triển khai thành công 4 chương trình khoa học công nghệ cấp quốc gia, bao gồm: Chương trình Công nghệ sinh học trong nông nghiệp và thủy sản, Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới, Chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và Chương trình sản phẩm quốc gia.

Thứ trưởng đồng ý, nếu cởi trói được những vướng mắc về chính sách, đồng thời tăng cường hợp tác công tư, hợp tác quốc tế, gắn khoa học công nghệ với sự phát triển của các đơn vị nghiên cứu sẽ tạo ra động lực mới, thúc đẩy tất cả các bên liên quan cùng chung tay phát triển ngành nông nghiệp.

Về các lĩnh vực xây dựng cơ bản, Thứ trưởng cho rằng thời gian nghiên cứu, lập kế hoạch và phê duyệt các dự án đầu tư công thường kéo dài 3 – 4 năm. Do đó, Viện Chăn nuôi cần có kế hoạch chủ động, phối hợp với Vụ Kế hoạch, Cục Quản lý Xây dựng công trình để đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các mục tiêu trong giai đoạn trung hạn sắp tới.

Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường Nguyễn Giang Thu đồng ý với đề xuất của Viện Chăn nuôi về việc khôi phục lại Hội nghị Khoa học Chăn nuôi – Thú y toàn quốc. Bà Thu cam kết hỗ trợ để hội nghị có thể tổ chức vào tháng 8/2023.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email