Friday, April 19

Đưa chanh bông tím trồng trên đất đồi cằn cỗi, hiệu quả bất ngờ

Cách trung tâm TP Bắc Kạn không xa, vườn cây chanh bông tím của anh Hoàng Văn Hiền ở thôn Nam Đội Thân, xã Nông Thượng (TP Bắc Kạn) được nhiều người biết đến.

Men theo con đường nhỏ ngoằn ngoèo trên những triền đồi, chúng tôi đến vườn chanh của anh Hiền. Anh Hiền kể trước đây từng làm nhiều nghề nhưng cũng lận đận, rồi quyết định về quê lập nghiệp. “Năm 1996 về quê mình bắt đầu trồng cây mơ, lúc đó giá bán quả mơ khá cao. Nhưng vài năm sau, khi vườn của mình được thu hoạch thì giá quả mơ rớt thê thảm. Sau đó mình lại chuyển sang trồng cây hồng không hạt nhưng cũng không thành công. Đến năm 2016, mình tìm hiểu và mua 60 cây chanh bông tím từ Đà Lạt về trồng..

Anh Hoàng Văn Hiền chăm sóc vườn chanh đang trong thời gian thu hoạch. Ảnh: Ngọc Tú.

Anh Hoàng Văn Hiền chăm sóc vườn chanh đang trong thời gian thu hoạch. Ảnh: Ngọc Tú.

Đây là giống chanh được thị trường ưa chuộng, trong khi ở địa phương chưa có người trồng, qua tìm hiểu thấy trồng chanh bông tím phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương nên mình quyết định đầu tư”, anh Hiền tâm sự.

Vừa trồng, anh Hiền vừa nhân giống từ những cây chanh ban đầu, đến nay vườn chanh của anh đã có hơn 1.000 cây.

Cây chanh bông tím ra hoa, đậu quả quanh năm nên giá trị kinh cao hơn nhiều so với một số cây trồng trên đất đồi. Với hơn 1.000 gốc chanh đã cho thu hoạch, mỗi năm anh Hiền thu được từ 70 – 80 tấn quả.

Trên thị trường, quả chanh bông tím có giá từ 20.000 đồng đến 25.000 đồng/kg, có những thời điểm có thể bán được đến 40.000 đồng/kg, thị trường tiêu thụ chính ở các tỉnh Ninh Bình, Thái Nguyên, Bắc Ninh…

Ưu điểm nổi trội của chanh bông tím là thời gian ra hoa, đậu quả đến khi thu hoạch ngắn, năng suất cao. Để cây chanh phát triển tốt, anh Hiền cho biết phải luôn cải tạo đất, trồng theo hướng hữu cơ. Trang trại anh hiện nay chỉ sử dụng các loại chế phẩm để phòng trừ sâu bệnh, phân bón hoàn toàn bằng phân hữu cơ ủ từ phân chuồng và các phụ phẩm nông nghiệp, bón theo định kỳ. Trong vườn, anh Hiền cũng không dọn sạch cỏ dại hoàn toàn mà chỉ cắt, quản lý khi cỏ tốt để tạo thảm thực vật giữ ẩm cho đất, chống xói mòn, thu hút thiên địch có lợi…

Thành công từ mô hình trồng cây chanh bông tím mở ra hướng đi mới với địa phương có nhiều đất đồi núi như ở Bắc Kạn. Ảnh: Ngọc Tú.

Thành công từ mô hình trồng cây chanh bông tím mở ra hướng đi mới với địa phương có nhiều đất đồi núi như ở Bắc Kạn. Ảnh: Ngọc Tú.

Nhờ áp dụng tiến bộ kỹ thuật và canh tác theo hướng hữu cơ, vườn chanh bông tím của gia đình anh Hiền phát triển rất xanh tốt, tán rộng, cây khỏe, ít sâu bệnh và năng suất ổn định trong suốt nhiều năm qua.

Cây chanh bông tím đến tuổi thu hoạch sẽ cho sản lượng ổn định khoảng chục năm, vì vậy để duy trì, cuối năm 2022, anh Hiền quyết định ghép chanh bông tím với gốc ghép là cây bưởi Diễn đã trồng 6 năm tuổi. Theo anh Hiền, cây bưởi có tuổi thọ cao, bộ rễ khỏe, nhiều cành nên rất phù hợp khi ghép với cây chanh.

“Hiện nay trang trại tôi đã ghép được 150 cây chanh trên gốc bưởi và đang tiếp tục mở rộng thêm. Theo tính toán, mỗi gốc bưởi ghép chanh có thể thu hoạch được từ 3 đến 5 tạ quả/năm. Nếu một vườn trồng được khoảng 1.000 cây có thể thu về tiền tỷ”, anh Hiền chia sẻ thêm.

Để lấy ngắn nuôi dài, hiện nay anh Hiền còn duy trì thu mua và sơ chế quả mơ tươi, mỗi năm chế biến được khoảng 500 tấn.

Việc chế biến mơ tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động, với thu nhập từ 6 đến 7 triệu đồng/tháng. Đây cũng là nguồn lao động để trang trại của anh Hiền duy trì chăm sóc, mở rộng vườn mơ.

“Lúc đầu mới làm mình cũng không nghĩ cây chanh mang lại hiệu quả cao như vậy. Lúc đó đất đồi cằn cỗi, thiếu nước tưới nên bản thân mình cũng như nhiều người ở đây không nghĩ cây chanh phát triển tốt như vậy. Hiện nay cũng có nhiều người đến vườn tham quan để về xây dựng mô hình trồng cây chanh bông tím. Với nhu cầu của thị trường lớn, mình nghĩ đây là cây trồng phù hợp với đất đồi núi như ở Bắc Kạn”, anh Hiền phấn khởi nói.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email