Thursday, April 25

Tránh tình trạng ‘sáng nghiên cứu, chiều bán hàng online’

Hình mô phỏng mẫu đất của các khu vực trên cả nước tại Viện Thổ nhưỡng Nông hóa. Ảnh: Bảo Thắng.

Hình mô phỏng mẫu đất của các khu vực trên cả nước tại Viện Thổ nhưỡng Nông hóa. Ảnh: Bảo Thắng.

Tại buổi làm việc với Viện Thổ nhưỡng Nông hóa chiều 31/5, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chia sẻ với khó khăn hiện tại của những người đang làm nghiên cứu khoa học. Ông cho rằng, đây không phải chuyện riêng của một đơn vị hay một ngành nào.

Thay vì chờ cơ chế từ cấp trên, Thứ trưởng đề nghị cán bộ, công nhân của viện chủ động tạo ra “một không gian”, nhằm phát huy tổng thể sức mạnh.

Không gian này, theo lãnh đạo Bộ NN-PTNT, gồm sự chung tay của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS), Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường cũng như các đơn vị liên quan như Sở NN-PTNT tại địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng.

“Chúng ta thường nghĩ là phải tìm thứ gì đó được đông đảo tầng lớp, đối tượng trong xã hội quan tâm, mà quên mất rằng cần phải kiến tạo ra trước một không gian để các đối tượng cùng tham gia”, Thứ trưởng nói.

Một trong những gợi ý được Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đưa ra, là Viện Thổ nhưỡng Nông hóa tăng cường phối hợp với VAAS cùng các Cục, Vụ thuộc Bộ NN-PTNT để tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo về các thế mạnh của Viện như nghiên cứu về suy thoái đất, phân bón.

Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng Nông hóa giới thiệu bản đồ thổ nhưỡng của một số địa phương trên cả nước. Ảnh: Bảo Thắng.

Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng Nông hóa giới thiệu bản đồ thổ nhưỡng của một số địa phương trên cả nước. Ảnh: Bảo Thắng.

Theo Thứ trưởng, việc tổ chức những hội nghị, hội thảo là một cách hữu hiệu để lan tỏa các công trình khoa học. Đây là một kênh để những nhà khoa học được trình diễn, công bố các kết quả nghiên cứu, cũng như quảng bá để đông đảo mọi người biết đến.

Từ quá trình nhiều năm quản lý Trung tâm Nghiên cứu Gia cầm Thụy Phương và Viện Chăn nuôi, Thứ trưởng cho biết, bên cạnh việc chăm lo đời sống cho cán bộ, công nhân viên, đảm bảo thu nhập, lãnh đạo các viện còn cần có biện pháp để người làm khoa học được tăng cường tình yêu ngành, yêu nghề, tránh tình trạng “sáng nghiên cứu, chiều bán hàng online”.

Qua những hội nghị, hội thảo như vậy, địa phương, viện khoa học sẽ có nhiều cơ hội được làm việc, kết nối với địa phương, doanh nghiệp.

Lấy ví dụ về các cuộc hội nghị xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp tại tỉnh Lai Châu, Gia Lai và vừa qua là Hà Giang, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: “Dư địa đầu tư vào nông nghiệp còn rất lớn. Các đơn vị nghiên cứu cần đổi mới tư duy để kịp thời nắm bắt xu hướng này”.

PGS. TS Trần Minh Tiến báo cáo kết quả hoạt động với đoàn công tác của Bộ NN-PTNT. Ảnh: Bảo Thắng.

PGS. TS Trần Minh Tiến báo cáo kết quả hoạt động với đoàn công tác của Bộ NN-PTNT. Ảnh: Bảo Thắng.

Thay mặt Viện Thổ nhưỡng Nông hóa, Viện trưởng Trần Minh Tiến cho biết, giai đoạn 2018-2022, hàng năm Viện và các đơn vị trực thuộc được giao thực hiện 10 – 12 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Quốc gia và cấp Bộ; 15- 20 nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh với tổng kinh phí thực hiện khoảng 50 tỷ đồng/năm.

Một trong những thành tựu nổi bật của viện là ứng dụng thành công phân loại đất theo phương pháp định lượng FAO-UNESCO-WRB. Viện đã xây dựng bản đồ đất tỉ lệ 1/50.000 – 1/100.000 ở quy mô cấp huyện và tỉnh cho một số tỉnh, thành trong cả nước như Hà Nội, Thái Bình, Hà Nam, Nghệ An…

Nối tiếp thành tựu của những năm trước, Viện đã xây dựng cơ sở dữ liệu, xây dựng bản đồ thổ nhưỡng, nông hóa và bản đồ chất lượng đất phục vụ thâm canh chuyển đổi cơ cấu cây trồng và quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên đất nông nghiệp cho nhiều địa bàn như từ cấp tỉnh như Quảng Ninh, Thái Bình, Hà Nam, Ninh Thuận, Bắc Ninh.

Ngoài ra, Viện còn nghiên cứu các giải pháp phát triển sắn bền vững tại Quảng Ngãi; nghiên cứu sản xuất và sử dụng phân bón chuyên dùng cho cây vải thiều tại tỉnh Bắc Giang; nghiên cứu sản xuất phân bón đa lượng chậm tan có kiểm soát trên nền vật liệu silica-lignocellulose phân tách từ rơm rạ.

Viện đã sản xuất 3 bộ phân bón có hàm lượng cao (tổng NPK trên 60%), chất lượng ổn định, hòa tan hoàn toàn trong nước tưới. Thử nghiệm trên hồ tiêu, cà chua và thanh long, cây sinh trưởng phát triển vượt trội so với bón phân khoáng thông thường và tương đương với phân bón qua nước tưới của Israel.

Về nghiên cứu vi sinh, Viện chọn thành công 16 nguồn gen có khả năng đối kháng cao với các vi sinh vật gây bệnh. Đồng thời, đưa ra các giải pháp giữ ẩm cho đất khô hạn nhờ vi sinh vật màng nhầy polysaccarit tại Hòa Bình; nghiên cứu sử dụng nguyên liệu hữu cơ, phân bón hữu cơ nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất một số loại rau, quả ở các tỉnh phía Bắc.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các nhà khoa học phải tăng cường quảng bá công trình nghiên cứu. Ảnh: Bảo Thắng.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các nhà khoa học phải tăng cường quảng bá công trình nghiên cứu. Ảnh: Bảo Thắng.

Dựa trên thế mạnh về nghiên cứu đất, dinh dưỡng cây trồng và phân bón, PGS.TS Trần Minh Tiến kiến nghị Bộ NN-PTNT nghiên cứu giao thực hiện các nhiệm vụ khuyến nông theo lĩnh vực liên quan đến chức năng của Viện trong thời gian tới; đồng thời xem xét sửa đổi chức năng, nhiệm vụ của Viện để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ giai đoạn hiện nay.

Đánh giá cao kết quả mà Viện Thổ nhưỡng Nông hóa đã làm thời gian qua, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường Nguyễn Quang Tin đề nghị Viện tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về những thế mạnh như suy thoái đất, dinh dưỡng cây trồng. Từ đó, tích hợp xây dựng cơ sở dữ liệu về thổ nhưỡng cho mọi vùng trên cả nước.

Ngoài ra, Viện có thể đề ra những hướng nghiên cứu mới như chẩn đoán sức khỏe đất qua hình thái cây trồng theo từng vùng, miền.

Tổng kết buổi làm việc, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chúc mừng Viện Thổ nhưỡng Nông hóa về bề dày thành tích nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ trong 3 lĩnh vực: đất, phân bón, vi sinh vật. Ông đề nghị Viện có chính sách hoạt động hiệu quả, phát huy hết năng lực của các trung tâm nghiên cứu của Viện trên địa bàn cả nước.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email