Thursday, April 25

Thực hành nông nghiệp chính xác để xây dựng chuỗi cà phê, hồ tiêu bền vững

Vườn cà phê xen canh của chủ hộ Đỗ Văn Ánh ở thôn Tân Phú, xã Ea Tóh, huyện Krông Năng, Đắk Lắk. Ảnh: Linh Linh.

Vườn cà phê xen canh của chủ hộ Đỗ Văn Ánh ở thôn Tân Phú, xã Ea Tóh, huyện Krông Năng, Đắk Lắk. Ảnh: Linh Linh.

Đa dạng hóa cây trồng và giảm sử dụng nguyên liệu đầu vào

Trong Chiến lược hợp tác 10 năm (2017 – 2027) ký kết giữa Bộ NN-PTNT và Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia (ACIAR), Tây Nguyên được xác định là một trong những vùng ưu tiên được đầu tư nghiên cứu và phát triển các kỹ thuật canh tác nông, lâm nghiệp.

Tây Nguyên là vùng chuyên canh cà phê, hồ tiêu của Việt Nam chiếm tỷ lệ tương ứng là 88% và 63%. Tuy nhiên khi nhìn vào thực trạng, diện tích cà phê, hồ tiêu tăng nhanh, người dân ồ ạt phát triển diện tích ngay trên cả các loại đất, địa hình không phù hợp, làm phá vỡ cân bằng hệ sinh thái.

TS Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) chia sẻ: “Đến nay, cà phê, hồ tiêu phát triển khá tốt và chúng ta đã làm chủ nhiều kỹ thuật trong đó. Tuy nhiên, còn một số thách thức mang tính lâu dài như vấn đề sâu bệnh hại dưới lòng đất đối với cà phê và hồ tiêu, chúng ta vẫn chưa thực sự khắc phục được”.

Cà phê được trồng xen canh với hồ tiêu, mắc ca, sầu riêng... Ảnh: Linh Linh.

Cà phê được trồng xen canh với hồ tiêu, mắc ca, sầu riêng… Ảnh: Linh Linh.

Đại diện viện WASI cũng chỉ ra một số tồn tại trong canh tác cà phê, hồ tiêu như thách thức đến từ biến đổi khí hậu, tình trạng thiếu lao động trong tương lai. Bên cạnh đó, đất bị thoái hóa sau thời gian dài canh tác (đất chua, mất chất hữu cơ, mất kết cấu đất, suy giảm chất dinh dưỡng), làm cho sức khỏe của đất bị giảm sút, dẫn đến sức sản xuất kém, năng suất cây trồng thấp và bấp bênh…

Từ đó, dự án Nâng cao tính bền vững, năng suất và giá trị kinh tế của hệ thống canh tác chuỗi giá trị của cây cà phê, hồ tiêu tại khu vực Tây Nguyên (Dự án V-SCOPE) ra đời với mong muốn khắc phục những tồn tại trong hệ thống sản xuất còn thiếu bền vững của cây cà phê và hồ tiêu tại Tây Nguyên.

Dự án tìm kiếm hướng đi cho việc sử dụng biện pháp sinh học, thân thiện môi trường để khống chế sâu bệnh hại dưới đất, giảm chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả sản xuất và kết nối các tác nhân để nâng cao chuỗi giá trị sản xuất và sản phẩm.

ThS Châu Thị Minh Long, Phó Trưởng Bộ môn Hệ thống Nông nghiệp thuộc Viện WASI cho biết, với 4 thí nghiệm về đo lường rửa trôi dinh dưỡng và 30 thử nghiệm về phục hồi đất bằng việc sử dụng vôi và than sinh học trong canh tác cà phê và hồ tiêu, kết quả bước đầu cho thấy nghiên cứu này sẽ là cơ sở để đề xuất phân bón cho cây trồng hợp lý nhằm tiết kiệm đầu vào, bảo vệ môi trường.

Anh Đỗ Văn Ánh chia sẻ việc xen canh cây cà phê, hồ tiêu và cây ăn quả có chi phí đầu vào rẻ hơn và giúp tránh rủi ro về mặt thu nhập khi giá cả cà phê biến động. Ảnh: Linh Linh.

Anh Đỗ Văn Ánh chia sẻ việc xen canh cây cà phê, hồ tiêu và cây ăn quả có chi phí đầu vào rẻ hơn và giúp tránh rủi ro về mặt thu nhập khi giá cả cà phê biến động. Ảnh: Linh Linh.

Trong khuôn khổ dự án, chuyển đổi canh tác từ chuyên cang sang xen canh cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả đã cho thấy một số kết quả khả quan như mật độ cây trồng cao hơn, năng suất tổng cộng cao hơn, đầu vào tương đương trong khi lợi nhuận và khả năng thích ứng tăng cao.

Qua thí nghiệm đo lường nhu cầu nước tưới cho cây cà phê bằng công nghệ SAP-FLOW, mô hình cà phê xen bơ sử dụng ít nước tưới hơn khoảng 30% so với mô hình độc canh cà phê. Trong khi đó, có thể giảm lượng nước tưới từ 400 lít/cây/đợt (theo khuyến cao) xuống 250 lít/cây/đợt do không có khác biệt về thoát hơi nước và năng suất cà phê.

Tại các vùng dự án, chất lượng vật tư đầu vào (phân bón) là vấn đề được nông dân quan tâm nhất. Song có tới 53% nông dân gặp khó khăn trong việc phân biệt các loại phân bón, chất lượng phân bón. Vì vậy, dự án cũng đang phối hợp với đối tác thiết kế thử nghiệm để cải tiến nguồn cung vật tư đầu vào.

Dự án do Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Úc (ACIAR); Tổ chức Nghiên cứu Nông Lâm Quốc tế (ICRAF) tại Việt Nam, Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nghiên cứu Nông nghiệp phục vụ Phát triển Pháp (CIRAD) cùng với các đối tác nghiên cứu, đối tác tư nhân thực hiện.

Dự án triển khai tại 3 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và Gia Lai trong giai đoạn 2021 – 2025, với sự tham gia của gần 300 nông hộ trồng cà phê và hồ tiêu.

Áp dụng công nghệ để thực hành nông nghiệp chính xác

Tại vườn cà phê của anh Đỗ Văn Ánh ở thôn Tân Phú, xã Ea Tóh, huyện Krông Năng, Đắk Lắk, dự án V-SCOPE đã thí nghiệm nghiên cứu nhu cầu nước tưới cho cây cà phê sử dụng công nghệ đo SAP-FLOW (công nghệ đo dòng nhựa cây).

Thí nghiệm nghiên cứu nhu cầu nước tưới cho cây cà phê sử dụng công nghệ đo SAP-FLOW (công nghệ đo dòng nhựa cây). Ảnh: Linh Linh.

Thí nghiệm nghiên cứu nhu cầu nước tưới cho cây cà phê sử dụng công nghệ đo SAP-FLOW (công nghệ đo dòng nhựa cây). Ảnh: Linh Linh.

Một trong những thách thức lớn hiện nay là vấn đề biến đối khí hậu và thiếu nước tưới trong mùa khô đối với cà phê và hồ tiêu. Trước đây, Việt Nam đã có nhiều nghiên cứu về tưới nước và những quy trình kỹ thuật đã đưa ra những khuyến cáo tương đối phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, TS Phan Việt Hà cho rằng với điều kiện ngày càng gay gắt, chúng ta cần nghiên cứu để cải tiến, đưa ra những ngưỡng có thể tiết kiệm hơn lượng nước tưới.

“Hoạt động nghiên cứu này là một trong những hoạt động nghiên cứu chính trong dự án V-SCOPE do ACIAR tài trợ. Trong hoạt động này chúng tôi nhắm tới một thách thức rất nghiêm trọng và quan trọng đối với nông nghiệp Tây Nguyên trong hiện tại và những năm tiếp theo, đó là vấn đề nước tưới”, ông Hà cho biết.

Hệ thống đo dòng nhựa cây được lắp ở từng thân cây cà phê, hồ tiêu, giúp tính toán lượng nước chính xác cây trồng sử dụng trong nhiều thời điểm khác nhau. Ảnh: Linh Linh.

Hệ thống đo dòng nhựa cây được lắp ở từng thân cây cà phê, hồ tiêu, giúp tính toán lượng nước chính xác cây trồng sử dụng trong nhiều thời điểm khác nhau. Ảnh: Linh Linh.

Thí nghiệm đưa vào hệ thống đo dòng nhựa cây, tính toán lượng nước chính xác cây trồng sử dụng trong nhiều thời điểm khác nhau, từ đó có thể đưa ra những tính toán nhất định và quyết định tưới, làm giảm hầu như lượng nước thất thoát trong mùa khô, phù hợp với thực hành nông nghiệp chính xác.

Theo TS Phan Việt Hà, thí nghiệm bao gồm nhiều thiết bị trong hệ thống như thiết bị đo dòng nhựa cây đi đôi với hệ thống đo điều kiện tiểu khí hậu vườn để xử lý tương quan. Hệ thống đo dòng nhựa cây có giá thành khá đắt, khoảng 4.000 – 5.000 USD nhưng với hệ thống đo điều kiện tiểu khí hậu lại khá rẻ, khoảng dưới 1.000 USD. Sau khi hoàn thành các nghiên cứu, việc khuyến cáo sản xuất chỉ cần sử dụng kết quả nghiên cứu của thí nghiệm và số liệu của các trạm khí tượng là có thể đưa ra được những quyết định chính xác trong tưới nước.

Thực hiện chính những thí nghiệm này là chuyên gia của ICRAF, CIRAD và Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên. Với hệ thống cảm biến, hệ thống trung tâm điều khiển kết nối đường dây với các cảm biến đo dòng nhựa cây chảy qua từng thân cây và số liệu sẽ được đưa qua công nghệ đám mây về bộ phận xử lý, từ đó các chuyên gia có thể xử lý thống kê và đưa ra những quyết định tưới khác nhau.

Kỹ thuật viên phụ trách máy đo tiểu khí hậu được lắp đặt tại vườn nhà anh Đỗ Văn Ánh. Ảnh: Linh Linh.

Kỹ thuật viên phụ trách máy đo tiểu khí hậu được lắp đặt tại vườn nhà anh Đỗ Văn Ánh. Ảnh: Linh Linh.

Giải thích về tầm quan trọng của thiết bị đo tiểu khí hậu tại đây, TS Nguyễn Quang Tân, Điều phối viên Quốc gia của Tổ chức Nghiên cứu Nông lâm Quốc tế (ICRAF) cho biết, các trạm khí tượng đo tiểu thời tiết đóng vai trò địa phương hóa thông tin thời tiết, từ đó có thể đưa khuyến cáo chính xác hơn về lượng nước tưới và sản xuất cho từng khu vực, từng vùng.

“Tương lai của các dịch vụ khí tượng thủy văn quốc gia sẽ đưa ra các kịch bản hướng dẫn cho việc lập kế hoạch các dịch vụ thời tiết và khí hậu giúp nông dân có phương án trồng trọt, tưới tiêu và lựa chọn chăm sóc cây trồng phù hợp với thời tiết của địa phương mình”, ông Tân cho biết.

Đánh giá về hiệu quả của thí nghiệm, chủ hộ Đỗ Văn Ánh chia sẻ, nếu trước kia vườn cây của mình tưới nước theo cảm quan, cứ thấy đất khô là tưới, thì nay việc tưới tiêu được triển khai hợp lý hơn, tiết kiệm chi phí. Bên cạnh đó, quá trình xen canh cây cà phê, hồ tiêu và cây ăn quả có chi phí đầu vào rẻ hơn khi sử dụng ít phân bón hơn và giúp anh tránh rủi ro về mặt thu nhập khi giá cả cà phê biến động.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email