Thursday, March 28

Thời vụ cập rập, Hà Tĩnh gấp rút gieo cấy vụ hè thu

Vừa thu hoạch xong vụ xuân năm 2023 trong niềm phấn khởi được mùa nhưng nông dân Hà Tĩnh không kịp ngơi tay. Bà con phải canh lấy nước, làm đất, ngâm ủ giống để gieo cấy vụ hè thu đảm bảo lịch thời vụ.

Thu hoạch xong lúa xuân đến đâu, bà con tranh thủ làm đất gieo cấy vụ hè thu đến đó. Ảnh: Thanh Nga.

Thu hoạch xong lúa xuân đến đâu, bà con tranh thủ làm đất gieo cấy vụ hè thu đến đó. Ảnh: Thanh Nga.

Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Tĩnh, năm nay, lúa xuân toàn tỉnh chủ yếu thu hoạch từ ngày 20 – 25/5, trong khi đó, khung thời vụ gieo cấy vụ hè thu cần kết thúc trước 10/6, đồng nghĩa bà con nông dân chỉ có khoảng 15 ngày để chuẩn bị, hoàn thành làm đất, xuống giống.

Áp lực thời vụ nên sau thu hoạch, bảo quản lúa vụ xuân xong, bà Nguyễn Thị Tuyết ở thôn Hà Phong, xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh tranh thủ thời tiết thuận lợi, khẩn trương dọn dẹp đồng ruộng, thuê máy cày tiến hành làm đất.

Bà Tuyết chia sẻ, năm nào triển khai vụ hè thu sớm là năm đó chủ động được nhiều việc, từ thuê máy làm đất đến lấy nước, xuống giống, đặc biệt là chủ động trong việc thu hoạch, né tránh được mưa lũ vào cuối vụ. Năm nay, gia đình bà thu hoạch vụ xuân khá sớm và làm nhanh gọn nên việc xuống giống vụ hè thu sớm hơn mọi năm.

Hà Phong là một trong những thôn đi đầu trên địa bàn huyện Kỳ Anh, với tổng số 65ha đất lúa đã được chuyển đổi và được chia thành 2 cánh đồng lớn sản xuất cùng một giống (một cánh đồng 50ha và một cánh đồng 15ha). Vụ xuân vừa qua, cánh đồng 50ha liên kết với Công ty Cổ phần Tập đoàn Quế Lâm gieo cấy giống DT39, cánh đồng 15ha sản xuất giống Xuân Mai 12.

Hiện toàn tỉnh này đã gieo cấy đạt gần 50% tổng diện tích. Ảnh: Thanh Nga.

Hiện toàn tỉnh này đã gieo cấy đạt gần 50% tổng diện tích. Ảnh: Thanh Nga.

Ông Nguyễn Hồng Quân, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Hà Phong cho hay, nếu như mọi năm, việc lựa chọn cơ cấu giống cho vụ hè thu là một trong những việc khó thì năm nay, các giống lúa như DT39, Xuân Mai 12 đều ngắn ngày, năng suất, chất lượng cao nên phù hợp cho cả 2 vụ sản xuất. Hi vọng thời tiết thuận lợi sẽ giúp bà con tiếp tục có thêm một vụ sản xuất thắng lợi.

Đối với huyện miền núi Hương Sơn, do đặc thù gieo cấy vụ xuân muộn nên vụ hè thu cũng triển khai gấp rút.

“Vụ này Hương Sơn thường gặp nhiều khó khăn do đồng đất không đồng nhất, nhiều vùng bị thiếu nước cục bộ, thu hoạch vụ xuân kết thúc muộn nên “khó chồng khó”. Để đảm bảo kế hoạch gieo cấy xong trước 10/6, huyện đang chỉ đạo các đơn vị tập trung làm đất, xuống giống trước ở các vùng thuận lợi. Các vùng khó khăn về nguồn nước như xã Kim Hoa, Sơn Lễ, Sơn Tiến… khuyến khích bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng”, ông Trần Quang Hòa, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hương Sơn nói.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Hà Tĩnh và khuyến cáo của ngành chuyên môn, để đảm bảo sản xuất vụ hè thu ăn chắc, các địa phương đã rà soát điều kiện sản xuất ở từng vùng sinh thái, khuyến cáo nông dân lựa chọn nhóm 15 giống lúa chủ lực có thời gian sinh trưởng từ 100 – 110 ngày để “chạy lụt” cuối vụ, gồm Khang dân 18, Khang dân đột biến, Bắc Thịnh, BT09, Nếp 98, Thiên ưu 8, BQ, HT1, PC6, TH3-3, TH3-5, Xuân Mai, RVT, Nhị ưu 838, Thái Xuyên 111.

Đối với những vùng đặc thù ngoài đê, vùng trũng của huyện Đức Thọ, vùng hạ huyện Hương Sơn, bắc Hồng Lĩnh, Nghi Xuân…, bố trí gieo cấy các giống có thời gian sinh trưởng dưới 95 ngày để kịp thu hoạch trước 30/8.

Cùng với đó, các giống có triển vọng như VNR10, HN6, ADI 168, ADI28, LP5, QP5, DT80, Nếp hương, Hương Thanh 8, Hương Bình, Lai thơm 6, Hana số 7, MHC2, DT39, ĐB6, ĐT37, SV181… tiếp tục đưa vào sản xuất quy mô phù hợp với từng địa phương.

Giống chủ lực được khuyến cáo đưa vào sản xuất là các bộ giống có thời gian sinh trưởng dưới 110 ngày nhằm né tránh thiên tai vào cuối vụ. Ảnh: Thanh Nga.

Giống chủ lực được khuyến cáo đưa vào sản xuất là các bộ giống có thời gian sinh trưởng dưới 110 ngày nhằm né tránh thiên tai vào cuối vụ. Ảnh: Thanh Nga.

Trên cơ sở định hướng của tỉnh, vụ hè thu năm nay, vựa lúa huyện Cẩm Xuyên phấn đấu gieo cấy trên 9.100ha. Địa phương này chủ yếu cơ cấu các giống dưới 110 ngày như: Xuân Mai 12, PC6, Khang dân 18, RVT, nếp các loại, BQ, Thiên ưu 8, BT09, DT39…

Song song với kiểm soát việc lựa chọn giống lúa, Cẩm Xuyên chú trọng khuyến khích đầu tư thâm canh từ 1 – 2 giống tại các địa phương có vùng sản xuất đã được chuyển đổi ruộng đất, vùng phá bờ vùng, bờ thửa, vùng có liên kết sản xuất với doanh nghiệp như xã Cẩm Lạc, Nam Phúc Thăng, Cẩm Bình… với tổng diện tích khoảng 2.800ha.

Ông Nguyễn Trí Hà, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Tĩnh thông tin, đến ngày 5/6, toàn tỉnh đã gieo cấy được hơn 21.000/gần 45.000ha lúa hè thu, đạt tỷ lệ gần 48%. Các huyện sản xuất nhanh là Can Lộc, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Thạch Hà…

Mùa vụ gấp rút, các địa phương cần tập trung huy động nhân lực, vật lực đẩy nhanh tiến độ gieo cấy diện tích còn lại. Cùng với đó, bà con cần chú ý xử lý tốt khâu làm đất; những vùng thấp trũng “chạy lụt” cần gieo cấy sớm, tận dụng triệt để nguồn nước sẵn có trên đồng ruộng; tiến hành bắc mạ góc ruộng đối với những vùng sử dụng giống có thời gian sinh trưởng 105 – 110 ngày và những vùng thu hoạch lúa xuân sau 25/5.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email