Friday, April 19

Sợi tơ mong manh thành sợi tơ kết nối

Lãnh đạo huyện Trấn Yên và Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương khảo sát cánh đồng dâu xã Việt Thành (huyện Trấn Yên). Ảnh: Thanh Tiến.

Lãnh đạo huyện Trấn Yên và Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương khảo sát cánh đồng dâu xã Việt Thành (huyện Trấn Yên). Ảnh: Thanh Tiến.

13 hợp tác xã, hơn 90 tổ hợp tác sản xuất dâu tằm

Bên cạnh những thành công trong việc quy hoạch mở rộng diện tích vùng nguyên liệu, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất dâu tằm. Thời gian qua, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã đặc biệt chú trọng việc phát triển sản xuất trồng dâu, nuôi tằm liên kết theo chuỗi giá trị nhằm giúp các hợp tác xã và doanh nghiệp dễ áp dụng các quy trình quản lý sản xuất, tạo ra sản phẩm kén tằm chất lượng cao, nâng cao năng lực điều hành và tổ chức sản xuất theo hợp đồng đã ký kết với doanh nghiệp, tăng khả năng hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm kén tằm, tăng lợi nhuận cho các hợp tác xã (HTX) và nông dân.

Hiện nay, huyện Trấn Yên đã hình thành được vùng trồng dâu rộng lớn gần 900ha với hơn 1.500 hộ dân nuôi tằm; sản lượng kén tằm toàn huyện trong năm 2022 đạt 1.168 tấn, giá trị sản phẩm bình quân đạt từ 200 – 250 triệu đồng/ha/năm.

Những cánh đồng dâu màu mỡ và xanh ngát ở Trấn Yên đã trải dài khắp các vùng bờ bãi ven sông Hồng từ các xã Tân Đồng, Báo Đáp, Đào Thịnh, Hòa Cuông đến Y Can, Quy Mông, nay còn được mở rộng trên cả vùng đất ngay dưới chân những chân núi, ngọn đồi, dọc bãi bờ ven suối ở các xã vùng sâu, vùng cao như Việt Hồng, Hưng Khánh, Hồng Ca.

Giàn khay trượt giúp các hộ nuôi tằm quy mô lớn giảm được công lao động và tăng diện tích nuôi trong một phòng nuôi tằm. Ảnh: Thanh Tiến.

Giàn khay trượt giúp các hộ nuôi tằm quy mô lớn giảm được công lao động và tăng diện tích nuôi trong một phòng nuôi tằm. Ảnh: Thanh Tiến.

Với giá kén tằm ổn định, lại được chính quyền địa phương các cấp động viên khuyến khích, hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật… nên người dân rất tích cực chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả, đất gò bãi sang trồng dâu nuôi tằm.

Ông Trần Nhật Tân, Bí thư Huyện ủy Trấn Yên cho biết: Thời gian tới, Trấn Yên sẽ tạo điều kiện về thủ tục hành chính, đất đai, nhân công để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến tơ, dệt lụa… Từ đó, nâng cao giá trị các sản phẩm dâu tằm của địa phương. Huyện đã xây dựng kế hoạch tiếp tục phấn đấu mở rộng sản xuất trồng dâu, nuôi tằm đến năm 2025 lên 1.200ha; duy trì việc liên kết các tổ sản xuất, nhóm hộ và thực hiện các biện pháp kỹ thuật theo đúng quy trình để bảo đảm sản xuất hiệu quả, phấn đấu sản lượng kén tằm hàng năm đạt trên 2.200 tấn, giá trị thu trên 300 tỷ đồng.

Nghề trồng dâu nuôi tằm ở Trấn Yên trước đây chủ yếu sản xuất theo quy mô hộ gia đình cá thể, hoặc nhóm hộ. Sau khi có sản phẩm kén sẽ bán cho các tư thương trong và ngoài địa phương. Tư thương sẽ thu mua sản phẩm và bán cho các doanh nghiệp chế biến tại các tỉnh có nhà máy sản xuất. Chính vì vậy, dẫn đến tình trạng tranh mua, tranh bán, dìm giá, ép giá khiến giá kén không ổn định, nông dân chịu nhiều thiệt thòi.

Cánh đồng dâu xã Việt Thành nằm ven sông Hồng nhìn từ trên cao. Ảnh: Thanh Tiến.

Cánh đồng dâu xã Việt Thành nằm ven sông Hồng nhìn từ trên cao. Ảnh: Thanh Tiến.

Thời gian qua, huyện Trấn Yên đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với các địa phương đẩy mạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn thành lập các tổ hợp tác, HTX trồng dâu nuôi tằm trên cơ sở các hợp tác xã là đầu mối trung gian kết nối giữa các hộ nông dân với doanh nghiệp trong liên kết sản xuất, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Đến nay, trên địa bàn huyện đã thành lập được 13 HTX về dâu tằm và hơn 90 tổ hợp tác. Đặc biệt, trên địa bàn huyện đã xây dựng được 7 chuỗi liên kết sản xuất dâu tằm theo chuỗi giá trị gắn với thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Trong chuỗi liên kết sản xuất dâu tằm, các HTX đóng vài trò trung gian (cũng có thể gọi là trung tâm của chuỗi liên kết).

Chị Nguyễn Thị Hồng Lê, Giám đốc HTX dâu tằm xã Việt Thành cho biết: Hiện nay HTX có 8 thành viên là các hộ dân nuôi tằm ở thôn Trúc Đình với tổng diện tích dâu hiện có hơn 6ha. Các thành viên sẽ liên kết chặt chẽ với nhau trong từng khâu sản xuất, trong đó có thành viên nuôi tằm giống để cung ứng cho các thành viên khác, đồng thời hỗ trợ nhau trong việc hái lá, nuôi tằm, thu hoạch sản phẩm kén.

Hiện nay, các hộ nuôi tằm ở Trấn Yên đã áp dụng nuôi tằm trên giàn khay trượt nhằm tăng hiệu quả sản xuất. Ảnh: Thanh Tiến.

Hiện nay, các hộ nuôi tằm ở Trấn Yên đã áp dụng nuôi tằm trên giàn khay trượt nhằm tăng hiệu quả sản xuất. Ảnh: Thanh Tiến.

HTX ký hợp đồng thu mua sản phẩm cho các thành viên và các hộ nuôi tằm tại địa phương và ký hợp đồng bán sản phẩm với nhà máy chế biến tại xã Báo Đáp. Nhờ đó, đã hạn chế được rủi ro trong quá trình sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị thu nhập.

Theo bà Triệu Thị Bích Liệu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Trấn Yên: Việc thực hiện các chuỗi liên kết trong sản xuất dâu tằm đã phát huy được vai trò của doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình trong tất cả các quy trình sản xuất.

Để xây dựng được các chuỗi liên kết sản xuất hoàn chỉnh, bền vững, ngành nông nghiệp huyện cũng khuyến khích các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất tham gia trong chuỗi liên kết áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, tạo ra vùng nguyên liệu tập trung. Đồng thời tiếp tục đổi mới phương thức sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người cho lao động, nâng cao thu nhập cho người dân.

Bước ngoặt lớn cho ngành dâu tằm tơ Yên Bái

Để nghề tằm tơ phát triển hiệu quả, bền vững, nhiều năm qua, các cấp ngành ở huyện Trấn Yên nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung luôn quan tâm kêu gọi và tạo mọi điều kiện thuận lợi về pháp lý, đất đai, xây dựng vùng nguyên liệu để thu hút các doanh nghiệp đến xây dựng nhà máy chế biến kén tằm tại địa phương.

Việc nhà máy chế biến kén tằm được đầu tư và đi vào hoạt động ở địa bàn huyện Trần Yên đã mở ra bước ngoặt lớn cho ngành dâu tằm tơ ở địa phương này. Ảnh: Thanh Tiến.

Việc nhà máy chế biến kén tằm được đầu tư và đi vào hoạt động ở địa bàn huyện Trần Yên đã mở ra bước ngoặt lớn cho ngành dâu tằm tơ ở địa phương này. Ảnh: Thanh Tiến.

Điều đáng mừng là tháng 3/2023, Nhà máy chế biến kén tằm của Công ty Cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái (đặt tại xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên) đã chính thức đi vào hoạt động. Hiện nay, nhà máy đã lắp đặt 2 giàn máy ươm tơ với công suất 150 tấn tơ/năm, tương đương với 1.100 tấn kén. Sản phẩm tơ tằm sau chế biến sẽ được xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ, Nhật Bản và các nước châu Âu.

Ông Vũ Xuân Trường, Giám đốc Công ty Cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái cho biết: Hiện Công ty đã đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho 80 lao động của địa phương. Nguồn nguyên liệu kén để sản xuất chủ yếu thu mua trên địa bàn huyện Trấn Yên và các huyện trong tỉnh Yên Bái. Hiện nay, Công ty đã ký hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm với 8 HTX ở các địa phương, bao tiêu toàn bộ sản phẩm bà con làm ra thông qua việc ký hợp đồng với các HTX và các thương lái với giá ổn định.

Theo thiết kế giai đoạn 2, nhà máy sẽ lắp thêm 2 các giàn máy ươm tơ để nâng công suất lên gấp đôi, có thể thu mua chế biến 2.500 tấn kén/năm. Thời gian tới, Công ty sẽ phối hợp với các địa phương tiếp tục mở rộng diện tích trồng dâu, nâng cao chất lượng nguồn lao động, tăng cường hỗ trợ kỹ thuật cho các HTX, hộ trồng dâu nuôi tằm để nâng cao sản lượng và chất lượng kén.

Ông Vũ Xuân Trường (bìa phải), Giám đốc Công ty Cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái kiểm tra sản phẩm tơ tằm xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Vũ Xuân Trường (bìa phải), Giám đốc Công ty Cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái kiểm tra sản phẩm tơ tằm xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Nguyễn Thành Lê, Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên đánh giá: “Hiện nay, có thể khẳng định nghề tằm tơ đã thành công trên địa bàn huyện, trình độ kỹ thuật canh tác của người dân được nâng cao, việc liên kết trong sản xuất được thực hiện chặt chẽ, hiệu quả. Hiện nay trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều làng nghề trông dâu nuôi tằm. Vì vậy, sản lượng kén tằm hàng năm luôn tăng về sản lượng và chất lượng.

“Việc trên địa bàn huyện đã xây dựng được nhà máy ươm tơ, đi vào hoạt động và có thể bao tiêu toàn bộ sản phẩm kén cho người dân thực sự là bước ngoặt lớn cho nghề dâu tằm tơ của huyện Trấn Yên nói riêng, tỉnh Yên Bái nói chung.

Từ đây, người dân có thể yên tâm tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất dâu tằm. Ngoài ra, đây cũng là tiền đề để huyện có thể thu hút thêm các doanh nghiệp đến địa bàn để đầu tư vào ngành dâu tằm tơ, thu mua chế biến sâu sản phẩm từ kén tằm”, ông Nguyễn Thành Lê, Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên phấn khởi.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email