Friday, April 19

Sạ cụm, cách làm mới lợi đủ bề

Sạ cụm hấp dẫn nông dân

Những chuyến về thăm Bình Định, nhiều lãnh đạo Bộ NN-PTNT đã từng ghi nhận đồng lúa ở tỉnh này đẹp như tranh vẽ, phẳng như tấm thảm, không tìm đâu thấy cảnh lúa nhiều tầng, ấy là nhờ nông dân Bình Định từ lâu đã biết sử dụng đồng bộ cùng một giống lúa trên cánh đồng. Tuy nhiên, khâu sạ giống của nông dân Bình Định chủ yếu bằng thủ công nên năng suất lao động thấp, không đảm bảo tính mùa vụ, hiệu quả sản xuất chưa cao.

Máy sạ cụm hoạt động tại mô hình của HTX nông nghiệp 2 Nhơn Thọ (thị xã An Nhơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Máy sạ cụm hoạt động tại mô hình của HTX nông nghiệp 2 Nhơn Thọ (thị xã An Nhơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Hiện nay, giá cả các loại vật tư đầu vào, nhất là phân bón tăng cao càng làm giảm hiệu quả trong sản xuất lúa. Điều này đặt ra cho ngành chức năng Bình Định sự cấp thiết phải nhanh chóng có các giải pháp làm giảm chi phí sản xuất nhằm nâng cao giá trị sản xuất lúa cho nông dân.

Qua tham quan triển lãm giới thiệu thiết bị máy móc, công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp tại sự kiện Agritechnica Asia Live 2022 do Bộ NN-PTNT phối hợp với Hiệp hội nông nghiệp Đức (DLG) và Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) tổ chức tại TP Cần Thơ vào tháng 8/2022, Trung tâm Khuyến nông Bình Định được tiếp cận với nhiều máy móc, thiết bị mới, các mô hình sản xuất áp dụng công nghệ cao.

Sau khi tham quan mô hình sạ cụm trên cây lúa kết hợp dùng drone phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) do Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền phối hợp với Công ty TNHH Sài Gòn Kim Hồng thực hiện tại Viện Lúa ĐBSCL, Trung tâm Khuyến nông Bình Định nhận thấy mô hình đạt hiệu quả cao, có thể áp dụng tại Bình Định.

Sau chuyến tham quan, vụ đông xuân 2022 – 2023, Trung tâm Khuyến nông Bình Định triển khai ngay tại HTX nông nghiệp Hoài Mỹ (thị xã Hoài Nhơn) mô hình sạ cụm với diện tích 1ha và tại HTX nông nghiệp 2 Nhơn Thọ (thị xã An Nhơn) 1ha. Tiếp đến, trong vụ thu 2023 vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Bình Định tiếp tục triển khai mô hình sạ cụm tại huyện Hoài Ân với diện tích 5ha và tại HTX nông nghiệp 2 Nhơn Thọ (thị xã An Nhơn) mô hình 1ha.

Cánh đồng lúa sạ cụm tại HTX nông nghiệp 2 Nhơn Thọ (thị xã An Nhơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Cánh đồng lúa sạ cụm tại HTX nông nghiệp 2 Nhơn Thọ (thị xã An Nhơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Theo nông dân Nguyễn Đình A, người trực tiếp thực hiện mô hình tại xã Nhơn Thọ (thị xã An Nhơn) trong vụ đông xuân 2022 – 2023, đây là lần đầu tiên ông biết đến sạ cụm trong sản xuất lúa, ông A nhận thấy kỹ thuật sạ cụm phân bổ đều hạt giống nên tiết kiệm được lượng giống đáng kể, đó là chưa kể kỹ thuật đánh đường thoát nước và san phẳng mặt ruộng của máy sạ cụm. Với kinh nghiệm làm ruộng lâu năm, ông A cho rằng đây là những kỹ thuật hay cần áp dụng để tăng hiệu quả sản xuất.

Hiệu quả trông thấy

Theo ông Huỳnh Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định, sạ cụm là mô hình mới nhằm giới thiệu đến nông dân những công nghệ tiên tiến trong canh tác lúa để giảm chi phí sản xuất. Do đây là kỹ thuật còn mới ở Bình Định nên Trung tâm phải cử cán bộ kỹ thuật đứng chân mô hình để theo dõi tình hình, cập nhật đầy đủ các số liệu, kết quả để từ đó có cơ sở đánh giá.

Mô hình này còn nhằm thực hiện theo chỉ đạo về đổi mới hoạt động khuyến nông theo hướng bám sát thực tế, nhu cầu của nông dân, từ đó chuyển giao đầy đủ, kịp thời các ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất.

Những mô hình thực hiện trong vụ đông xuân 2022 – 2023 cho thấy chi phí đầu vào giảm hơn trước rất nhiều. Theo ông Phạm Văn Tân, Giám đốc HTX nông nghiệp 2 Nhơn Thọ (thị xã An Nhơn), sạ cụm bằng máy mỗi ha chỉ mất khoảng 60kg lúa giống, trong khi sạ lan như kỹ thuật thường áp dụng trước đây phải mất từ 80 – 120kg lúa giống/ha.

Lúa sạ cụm sau 15 ngày tại HTX nông nghiệp 2 Nhơn Thọ (thị xã An Nhơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Lúa sạ cụm sau 15 ngày tại HTX nông nghiệp 2 Nhơn Thọ (thị xã An Nhơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Sạ cụm hàng cách hàng 25cm, cụm cách cụm 16cm, có hệ thống rãnh thoát nước, cây lúa ít ngã đổ, giảm sâu bệnh hại… Qua đánh giá thực tế tại đồng ruộng, mô hình lúa sạ cụm giảm chi phí đầu vào, hiệu quả kinh tế tăng thêm 8 triệu đồng/ha nhờ năng suất cao hơn so với mô hình lúa sạ lan từ 10 – 20%, tiết kiệm được giống, giảm giá thành nhờ áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất.

Theo đánh giá của ông Phạm Văn Tân, công nghệ sạ cụm còn góp phần giải quyết vấn đề lao động trong khâu gieo sạ lúa, giúp gieo sạ nhanh và đồng loạt. Sạ theo cụm giúp lúa cứng cây, hạn chế đổ ngã, phù hợp với tình hình thời tiết bất thường như hiện nay.

“Mật độ gieo sạ hàng cách hàng 25cm rất thuận lợi cho khâu khử lẫn trong sản xuất lúa giống và chăm sóc lúa. Lượng giống gieo sạ rất ít, chỉ 3kg/sào (500m2/sào) giúp lúa sinh trưởng phát triển tốt, ít sâu bệnh hại, giảm lượng thuốc BVTV, tăng năng suất và chất lượng nông sản, góp phần bảo vệ môi trường”, ông Tân phân tích.

“Qua các mô hình, chúng tôi đánh giá công nghệ sạ cụm có thể phát triển và nhân rộng ở các vùng sản xuất lúa tập trung như huyện Tuy Phước, thị xã An Nhơn, thị xã Hoài Nhơn. Từ kết quả của những mô hình, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã đề xuất Sở NN-PTNT Bình Định có chính sách hỗ trợ để nhân rộng, tiến tới đưa cơ giới hóa khép kín vào sản xuất nông nghiệp”, ông Huỳnh Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định cho biết.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email