Saturday, April 20

Quốc hội cho ý kiến về Luật Việc làm sửa đổi tại kỳ họp thứ 8

Tiếp tục kỳ họp thứ 5, sáng 23/5, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày tờ trình tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày tờ trình tại phiên họp. Ảnh: quochoi.vn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành trình Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung 3 dự án luật: Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ vào Chương trình năm 2023 và thống nhất với đề xuất của Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5, thông qua tại kỳ họp thứ 6 đối với dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo và đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định Chương trình năm 2024 như sau:

Trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 đối với 10 dự án, trong đó có 8 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, bao gồm:

Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 và thông qua tại kỳ họp thứ 8 đối với 9 dự án luật, bao gồm: Luật Công chứng (sửa đổi), Luật Công đoàn (sửa đổi), Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Luật Địa chất và khoáng sản, Luật Phòng không nhân dân, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật như tiến độ do các cơ quan đề xuất.

Trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 đối với 2 dự án luật, bao gồm: Luật Chuyển đổi giới tính và Luật Việc làm (sửa đổi).

Toàn cảnh kỳ họp. Ảnh: quochoi.vn.

Toàn cảnh kỳ họp. Ảnh: quochoi.vn.

Trước đó, tại phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 1/2023 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, Chính phủ đã xem xét đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi).

Luật Việc làm sửa đổi sẽ góp phần thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về việc làm, đẩy mạnh hỗ trợ người lao động, xây dựng mạng lưới an sinh xã hội bao trùm, bền vững.

Trên cơ sở giải trình, tiếp thu ý kiến của thành viên Chính phủ và Kết luận của Thường trực Chính phủ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trình Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi) tập trung vào 4 nhóm chính sách:

Nhóm chính sách quản trị thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập:

Nội dung chính gồm: phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động đồng bộ, thống nhất; nâng cao năng lực thu thập, phân tích, dự báo thị trường lao động. Nâng cao chất lượng dịch vụ việc làm (công và tư). Quản lý nguồn lao động, xây dựng cơ sở dữ liệu về người lao động đồng bộ, thống nhất, tập trung, chia sẻ và kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia.

Sau khi sửa đổi Luật Việc làm, việc kết nối cung – cầu lao động ngày càng hoàn thiện thông qua các phiên giao dịch việc làm.

Hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp là công cụ quản trị thị trường lao động:

Mục tiêu của nhóm chính sách này nhằm mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp, bảo đảm việc làm cho người lao động, phát huy đầy đủ các chức năng của bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm bảo hiểm thất nghiệp là công cụ quản trị thị trường lao động.

Nội dung chính sách, gồm: mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Hỗ trợ người sử dụng lao động để duy trì việc làm cho người lao động, phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp. Quy định nhằm tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề cho người thất nghiệp, khắc phục tình trạng người lao động chỉ nhận trợ cấp thất nghiệp. Quy định các vấn đề về BHTN phù hợp định hướng sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội và chủ trương bỏ mức lương cơ sở theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Nhóm chính sách phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực:

Chính sách này nhằm mục tiêu: Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; tạo thuận lợi cho người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp gắn với đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

Các nội dung chính sách, gồm: Quy định đảm bảo đồng bộ, thống nhất khung trình độ quốc gia với khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia; tăng cường sự tham gia của các bên (Nhà nước, người lao động, người sử dụng lao động, cơ sở đào tạo) trong phát triển kỹ năng nghề và đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia. Quy định tạo điều kiện thuận lợi cho việc đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ nghề quốc gia, tăng tính mở và linh hoạt trong việc nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động. Quy định nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển kỹ năng nghề.

Nhóm chính sách thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững:

Mục tiêu nhằm thúc đẩy tạo việc làm theo hướng chủ động, bền vững, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, nhất là cho các nhóm lao động phi chính thức, lao động yếu thế.

Nội dung chính sách, gồm: Quy định chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm theo hướng tạo cơ hội tiếp cận cho mọi lao động có nhu cầu. Quy định chính sách hỗ trợ việc làm theo hướng chủ động, bao phủ cả nhóm lao động phi chính thức, lao động không có giao kết hợp đồng lao động. Quy định các chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho một số nhóm lao động yếu thế, đặc thù.

Luật Việc làm sửa đổi sẽ mở rộng độ bao phủ, điều chỉnh các chính sách lao động, việc làm đến toàn bộ lực lượng lao động (đối tượng lao động có giao kết hợp đồng lao động và không có giao kết hợp đồng lao động).

Luật cũng là cơ sở quan trọng để xây dựng các chính sách hỗ trợ người lao động, đặc biệt có nhóm lao động yếu thế, lao động nghèo, lao động nông thôn, người thất nghiệp và tăng cường cơ hội việc làm cho lao động khu vực phi chính thức.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email