Tuesday, April 16

Phú Xuyên lập 29 đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm gần 1.000 cơ sở

Thịt lợn bán tại một chợ đầu mối ở Hà Nội. Ảnh: NNVN.

Thịt lợn bán tại một chợ đầu mối ở Hà Nội. Ảnh: NNVN.

Để phòng chống các vụ ngộ độc đáng tiếc xảy ra, Hà Nội đang tăng cường kiểm tra và xử lý vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Mới đây, đoàn kiểm tra liên ngành công tác an toàn thực phẩm của thành phố do ông Hà Tiến Nghi – Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội dẫn đầu đã kiểm tra nội dung này trong thời gian đầu năm và tháng hành động vì an toàn thực phẩm tại Phú Xuyên.

Huyện đã thành lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm cùng với các xã, thị trấn thành lập 27 đoàn nữa để kiểm tra được gần 1.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm.

Đa số các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm đã tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm như có: giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; giấy khám sức khỏe, tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và người lao động; hợp đồng mua bán, hóa đơn, chứng từ liên quan đến nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, chất bảo quản thực phẩm; hồ sơ tự công bố/đăng ký bản công bố sản phẩm…

Với các hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ thuộc thẩm quyền quản lý của các xã, thị trấn thì 100% đã ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm, không sử dụng chất cấm trong quá trình trồng trọt, chăn nuôi.

Nhờ đó mà cơ bản huyện đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm, hạn chế được các vụ ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm. Đặc biệt trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2023, ngoài việc tăng cường công tác kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm, huyện Phú Xuyên còn tập trung vào công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm của 27 xã, thị trấn thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm. Đây chính là cái gốc để dẹp vấn nạn “thực phẩm bẩn”, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, quá hạn, quá date trên địa bàn.

Việc tuyên truyền được thực hiện sinh động dưới nhiều hình thức như mạng điện tử, phát tờ rơi, treo băng rôn, khẩu hiệu, đài phát thanh của huyện và các xã, thị trấn cũng như trực tiếp là các đội ngũ y tế, giáo dục, các ban ngành, đoàn thể đến vận động người dân và hội viên của mình. Phát động toàn dân lựa chọn và sử dụng thực phẩm bảo đảm an toàn, nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩm.

Chỉ trong tháng hành động Phú Xuyên đã phát 8.000 tờ rơi, treo 91 băng rôn, gần 200 tin, bài được phát trên hệ thống đài huyện, xã và tổ chức được 1 lớp tập huấn về an toàn thực phẩm cho trên 200 người tham gia. Thực tế cũng cho thấy, công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện Phú Xuyên vẫn còn những tồn tại, khó khăn.

Cụ thể, hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn có quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình, không thuộc diện phải cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm nên việc áp dụng các chế tài trong quản lý và xử lý vi phạm hành chính là khó.

An toàn vệ sinh thực phẩm là mối quan tâm của nhiều người. Ảnh: NNVN.

An toàn vệ sinh thực phẩm là mối quan tâm của nhiều người. Ảnh: NNVN.

Cũng như tình hình chung của cả thành phố Hà Nội, huyện Phú Xuyên chưa có những cơ sở giết mổ động vật tập trung, hiện đại đủ tiêu chuẩn an toàn thực phẩm mà vẫn là các cơ sở nhỏ lẻ, nằm xen kẽ trong khu dân cư. Nguồn gốc hàng hóa của các lò mổ dạng này chưa minh bạch hoàn toàn, vấn đề dư lượng chất kích thích tăng trưởng, kháng sinh cấm vẫn chưa được kiểm soát triệt để.

Thêm vào đó, dặc thù của các lò mổ là thường hoạt động vào ban đêm nên gây khó khăn trong việc cư quan nhà nước quản lý, kiểm tra. Về các nông sản có nguồn gốc thực vật, dư lượng thuốc sâu hoá học, chất bảo quản, nhất là loại ngoài danh mục, thuốc nhập lậu vẫn chưa thực sự có thể yên tâm.

Để thực hiện tốt công tác an toàn thực phẩm trên địa bàn Phú Xuyên cần hình thành nhiều hơn nữa các chuỗi từ sản xuất đến chế biến, thương mại thực phẩm; cần thường xuyên và đột xuất lấy mẫu giám sát các vùng sản xuất cũng như nông sản, thực phẩm được buôn bán trong các chợ; cần bồi dưỡng thêm về nghiệp vụ an toàn thực phẩm cho Ban chỉ đạo an toàn thực phẩm, cán bộ phụ trách an toàn thực phẩm thuộc các ngành y tế, nông nghiệp và PTNT, công thương.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email