Thursday, April 25

Nuôi cá tầm trong ao đất hiệu quả gấp 3 lần nuôi cá truyền thống

Xây dựng đơn giản, dễ thực hiện

Lâm Đồng có độ cao trung bình từ 200-1.500m so với mặt nước biển, nhiệt độ trung bình năm dao động từ 18-25 độ C, thời tiết ôn hòa, mát mẻ quanh năm nên phù hợp nuôi cá tầm thương phẩm. Theo đánh giá, vùng nhiệt độ có thể nuôi cá tầm của Lâm Đồng có phạm vi khá lớn, ước tính trên 60% diện tích của tỉnh và phân bổ ở các huyện như Lạc Dương, Đam Rông, Lâm Hà, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm, TP Đà Lạt, TP Bảo Lộc.

Mô hình nuôi cá tầm lồng trong ao đất được thiết kế đơn giản, chi phí thấp. Ảnh: Minh Hậu.

Mô hình nuôi cá tầm lồng trong ao đất được thiết kế đơn giản, chi phí thấp. Ảnh: Minh Hậu.

TS Nguyễn Viết Thùy, Giám đốc Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Trung (đóng tại xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) cho biết, hiện nay, cá tầm thương phẩm của Lâm Đồng chiếm trên 60% sản lượng cá tầm của cả nước.

Việc phát triển cá tầm tại địa phương này phổ biết nhất là nuôi nước chảy trong bể xi măng, ao lót bạt, nuôi trong lồng trên hồ chứa. Nguồn nước sử dụng cho nuôi cá nước tầm chủ yếu lấy từ các con sông, suối bắt nguồn từ những cánh rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, hay rừng sản xuất và các hồ chứa thủy lợi, thủy điện.

“Chúng tôi nhận thấy, ngoài một số hồ chứa còn dư địa nuôi lồng thì phần lớn các dòng suối đáp ứng được các yêu cầu như nguồn nước sạch, nhiệt độ phù hợp, tiện đường giao thông… đều đã được tận dụng nuôi cá tầm. Trong khi đó, các hồ chứa nhỏ, các ao đất phù hợp về nguồn nước, nhiệt độ để nuôi cá tầm rất nhiều nhưng chưa được khai thác. Do vậy, chúng tôi đã xây dựng đề tài nghiên cứu Ứng dụng công nghệ nuôi cá tầm thương phẩm lồng trong ao đất và đạt kết quả khả quan”, TS Nguyễn Viết Thùy, Giám đốc Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Trung nói.

Đối với công nghệ lồng trong ao, Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Trung xây dựng các 2 mô hình. Theo đó, mỗi khu ao nuôi có tổng diện tích khoảng 1.500m2 và lồng được thiết kế với tỉ lệ khoảng 10% diện tích mỗi ao. Lồng nuôi được xây dựng với chiều dài trên 25m, rộng 5m và mực nước trong ao luôn duy trì ở độ sâu 1,7m.

Lồng nuôi dạng này được xây dựng đơn giản với hệ thống khung sắt và lưới nhựa, đáy lồng cách đáy ao khoảng từ 20-30cm. Để đảm bảo môi trường cho cá sinh trưởng, trung tâm tổ chức lắp đặt hệ thống quạt nước để bổ sung khí ôxy.

Hệ thống quạt nước được lắp đặt để bổ sung khí ôxy, đảm bảo sự phát triển của cá. Ảnh: Minh Hậu.

Hệ thống quạt nước được lắp đặt để bổ sung khí ôxy, đảm bảo sự phát triển của cá. Ảnh: Minh Hậu.

“Ở 2 ao mô hình này, chúng tôi tổ chức thả cá tầm Xi-bê-ri (Acipenser baerii) với mật độ từ 10 đến 13 con/m2. Đây là mật độ tương đương với hình thức nuôi nước chảy truyền thống. Khối lượng cá giống mỗi con khoảng 50g và sau 3 tháng chăm sóc cá phát triển tốt, đồng đều và đạt trên 350g/con. Tỷ lệ cá sống ở mô hình này hiện tại đạt trên 90%”, ông Lê Văn Diệu, Phó Giám đốc Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Trung nói.

Nhiều ưu thế

Về ưu thế của mô hình lồng trong ao, ông Lê Văn Diệu chia sẻ, cá tầm là loài ăn đáy, thức ăn chủ yếu trong tự nhiên là giun, ốc… do vậy cá thường đào bới nền đáy để tìm kiếm thức ăn. Do đặc điểm này mà việc nuôi cá tầm trong ao đất với mật độ cao không thể thực hiện được vì khi cá đào bới đáy, làm đục nước dẫn đến chết hàng loạt. Trong khi đó, việc bê tông hóa toàn bộ ao nuôi quá tốn kém. Do vậy, ưu thế đầu tiên của lồng trong ao là giảm chi phí đầu tư công trình nuôi, tiếp đến là ngăn được cá tiếp xúc trực tiếp với nền đáy nhằm tránh tình trạng nước bẩn đục, cá chết hàng loạt.

Mô hình lồng trao ao cũng cho quản lý, kiểm soát về môi trường, phân cỡ cá và xử lý bệnh cá dễ dàng. Việc thu hoạch cá thương phẩm được chủ động theo nhu cầu của thị trường. Đặc biệt, ít phải thay nước nên chủ động nguồn nước. Mô hình cũng giúp cách ly bệnh dịch, thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn chế triệt để việc xói mòn đất, ô nhiễm nước.

Đối với mô hình lồng trong ao, cá tầm sinh trưởng, phát triển tốt. Ảnh: Minh Hậu.

Đối với mô hình lồng trong ao, cá tầm sinh trưởng, phát triển tốt. Ảnh: Minh Hậu.

“Mô hình lồng trong ao có nhiều ưu thế, hiệu quả và có thể nhân rộng. Với mô hình này, chúng ta tận dụng tối đa diện tích mặt nước nuôi cá truyền thống kém hiệu quả. Đặc biệt là cơ hội lớn cho người dân chuyển đổi vật nuôi thủy sản giá trị thấp sang cá tầm giá trị cao, góp phần tăng thu nhập, tăng hiệu quả kinh tế”, ông Lê Văn Diệu, Phó Giám đốc Trung tâm Quốc gia giống thủy sản, nước ngọt miền Trung nói và cho biết thêm, hiện nay, đối với các loại cá truyền thống mà điển hình là trắm cỏ thì thời gian nuôi từ con giống đến thương phẩm phải mất 2 năm và 1kg bình quân 60.000-70.000 đồng/kg. Trên diện tích 1.000m2 thì sản lượng khoảng 1-1,5 tấn nên người dân đạt doanh thu khoảng 100 triệu đồng, trong khi đó nuôi cá tầm trên diện tích 1.000m2 thì sản lượng khoảng 1,5 tấn và đạt doanh thu lên đến 300 triệu đồng.

TS Nguyễn Viết Thùy, Giám đốc Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nước ngọt miền Trung, chia sẻ, công nghệ nuôi cá tầm lồng trong ao đất là một cách tiếp cận công nghệ đơn giản hơn nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả tăng năng suất và chất lượng sản phẩm và được áp dụng cho nuôi thủy sản ngoài trời.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, địa phương hiện có 50ha cá tầm với trên 25 trang trại và 35 hộ nuôi. Vùng phát triển loại cá này của tỉnh tập trung tại các huyện như Lạc Dương, Đam Rông, Di Linh và thành phố Đà Lạt với các hình thức nuôi phổ biến là xây bể xi măng, sử dụng bể composite, đào ao lót bạt hoặc nuôi lồng bè. Tỉnh Lâm Đồng xác định, đến năm 2025, diện tích nuôi cá nước lạnh của tỉnh sẽ đạt 55 ha và sản lượng đạt trên 2.500 tấn.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email