Wednesday, April 24

Nuôi cá tầm thương phẩm công nghệ ‘sông’ trong ao

Nuôi cá tầm trong ao đất

Cá tầm được xác định là đối tượng thuỷ sản có giá trị kinh tế cao và đã được phát triển tại Lâm Đồng trong hơn 15 năm qua. Hiện nay, việc phát triển cá tầm tại địa phương này chủ yếu theo 3 hình thức gồm nuôi nước chảy trong bể xi măng, nuôi lồng trên hồ chứa và nuôi nước chảy trong ao lót bạt.

Ông Nguyễn Viết Thuỳ, Giám đốc Trung tâm Quốc gia giống thuỷ sản nước ngọt miền Trung (đóng tại xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) cho biết, nguồn nước ở các sông, suối đầu nguồn cung cấp cho nuôi cá tầm theo hình thức nước chảy trong bể và trong ao lót bạt ở Lâm Đồng gần như đã bị khai thác hết. Ngoài ra, các hồ chứa cũng hạn chế về quy mô do sức tải môi trường.

Trung tâm Quốc gia giống thuỷ sản nước ngọt miền Trung xây dựng 3 khu nuôi cá tầm thương phẩm theo công nghệ 'sông' trong ao với mật độ nuôi lần lượt 10 con, 13 con, 16 con/m2. Ảnh: Minh Hậu.

Trung tâm Quốc gia giống thuỷ sản nước ngọt miền Trung xây dựng 3 khu nuôi cá tầm thương phẩm theo công nghệ “sông” trong ao với mật độ nuôi lần lượt 10 con, 13 con, 16 con/m2. Ảnh: Minh Hậu.

Lâm Đồng cũng là nơi có đến 60% diện tích phù hợp về nhiệt độ để phát triển nuôi cá tầm. Tuy nhiên, phần lớn các vùng này bị hạn chế nguồn nước, các ao nuôi chủ yếu là ao đất sử dụng để nuôi các loài thuỷ sản truyền thống.

“Đặc điểm của cá tầm là loài ăn đáy, có tập tính đào bới nền đáy để tìm thức ăn nên không thể nuôi trong ao đất mật độ cao, làm đục nước dẫn đến cá chết. Việc bê tông hóa toàn bộ ao nuôi thì chi phí lớn, trong khi hàm lượng ôxy trong ao nước tĩnh thấp, chỉ nuôi được mật độ thấp nên không hiệu quả. Do đó, việc ứng dụng công nghệ mới như mô hình “sông” trong ao có thể khắc phục được những khó khăn này để nuôi cá tầm trong các ao, hồ nước tĩnh ở Lâm Đồng”, ông Thuỳ chia sẻ.

Công nghệ nuôi thủy sản “sông” trong ao được phát triển vào năm 2008 bởi TS. Jesse Chappell, Giảng viên Đại học Auburn, Alabama, Mỹ. Đây là công nghệ mới, hoạt động dựa trên nguyên lý tạo dòng nước tuần hoàn trong ao bằng hệ thống sục khí.

Hệ thống 'sông' trong ao có thể thu gom, loại bỏ triệt để các chất thải lắng đọng dưới đáy mương và xử lý được hoàn toàn chất thải sau khi thu gom. Ảnh: Minh Hậu.

Hệ thống “sông” trong ao có thể thu gom, loại bỏ triệt để các chất thải lắng đọng dưới đáy mương và xử lý được hoàn toàn chất thải sau khi thu gom. Ảnh: Minh Hậu.

Năm 2022, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Trung tâm Quốc gia giống thuỷ sản nước ngọt miền Trung thực hiện đề tài Ứng dụng công nghệ “sông” trong ao để xây dựng mô hình nuôi cá tầm thương phẩm phù hợp với điều kiện tỉnh Lâm Đồng.

Đối tượng nghiên cứu là cá tầm Xi-bê-ri (Acipenser baerii) với thời gian từ tháng 10/2022 đến tháng 4/2023. Các ao nuôi áp dụng thực hiện mô hình có diện tích 2.000m2/ao và mực nước trong ao duy trì khoảng 1,7m. Để đảm bảo môi trường, phần đáy ao được vét sạch bùn, san phẳng và phơi đáy ao khô cứng. Cùng với đó là gia cố bờ theo dạng mái taluy rồi phủ bạt HDPE và lắp đặt hệ thống cống cấp, thoát nước cho ao nuôi.

Mô hình hiệu quả, nhiều triển vọng

Kích thước mương nuôi được thiết kế với chiều dài 25m, rộng 5m, sâu 1,8m và xây dựng kiên cố bằng bê tông, cốt thép. Phần đáy mương phải cao hơn đáy ao 20cm và có độ dốc đáy khoảng 2% nghiêng về cuối mương. Mực nước trong mương nuôi luôn đảm bảo 1,5m.

Ông Lê Văn Diệu, Phó Giám đốc Trung tâm Quốc gia giống thuỷ sản nước ngọt miền Trung cho hay, đơn vị xây dựng mô hình với 3 mương và nuôi theo mật độ khác nhau bao gồm 10 con, 13 con, 16 con/m2. Đối với các mô hình này, nhiệt độ trung bình khoảng 22 độ C, hàm lượng ôxy hoàn tan được đảm bảo bằng hệ thống sục khí. Hệ thống sục khí cũng tạo ra dòng chảy qua mương nuôi, tạo môi trường tương tự như công nghệ nuôi bể nước chảy tự nhiên.

Sau 6 tháng nuôi, cá tại mương nuôi đạt từ 0,7-0,9kg/con. Ảnh: Minh Hậu.

Sau 6 tháng nuôi, cá tại mương nuôi đạt từ 0,7-0,9kg/con. Ảnh: Minh Hậu.

Ở hệ thống này, thức ăn dư thừa và các chất thải của cá được tách khỏi hệ thống nuôi, nên không bị ô nhiễm hữu cơ. Hơn nữa, việc tự xử lý môi trường nước trong ao, biến ao nuôi thành hệ sinh thái cân bằng ổn định trong suốt quá trình nuôi nên chủ động được nguồn nước tuyệt đối, không lệ thuộc nguồn nước bên ngoài cũng như thải nước ra bên ngoài, do đó kiểm soát được chất lượng môi trường, bệnh trong và ngoài hệ thống nuôi.

Sau 6 tháng nuôi, cá tại mương nuôi mật độ 10 con/m2 đạt khối lượng cao nhất với trên 0,9kg/con, mương nuôi mật độ 13 con đạt trên 0,8kg/con, mật độ 16 con/m2 có khối lượng trên 0,7kg/con.

Ông Lê Văn Diệu cho biết, từ kết quả nghiên cứu cho thấy, cá tầm nuôi theo công nghệ sông trong ao tăng trưởng tương đối nhanh. Tốc độ tăng trưởng này tương đương với các mô hình nuôi trong bể nước chảy tự nhiên và nhanh hơn so với mô hình nuôi lồng trên hồ chứa hiện nay tại Lâm Đồng.

“So với công nghệ nuôi thủy sản hiện tại ở Việt Nam, công nghệ “sông” trong ao có một số ưu điểm nổi bật, có cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn sản xuất. Trong đó bao gồm hàm lượng ôxy hòa tan trong nước cao, ổn định trong suốt quá trình nuôi, tỷ lệ sống của cá đạt từ 80 – 90%. Mô hình này cũng quản lý, kiểm soát môi trường, phân cỡ cá, xử lý bệnh cá dễ dàng. Việc thu hoạch cá thịt cũng chủ động theo nhu cầu của thị trường”, ông Lê Văn Diệu, Phó Giám đốc Trung tâm Quốc gia giống thuỷ sản nước ngọt miền Trung chia sẻ.

Theo Trung tâm Quốc gia giống thuỷ sản nước ngọt miền Trung, các yếu tố môi trường nước trong hệ thống nuôi cá tầm theo công nghệ “sông” trong ao được duy trì ổn định trong cả chu kỳ nuôi, phù hợp cho sinh trưởng và phát triển của cá tầm. Đến thời điểm này, mô hình “sông” trong ao đạt hiệu quả, triển vọng nhân rộng phát triển cá tầm thương phẩm ở Lâm Đồng.

Hệ thống “sông” trong ao có thể thu gom, loại bỏ triệt để các chất thải lắng đọng dưới đáy mương và xử lý được hoàn toàn chất thải sau khi thu gom. Điều này giúp môi trường sạch, không phát thải các chất có thể gây ảnh hưởng môi trường bên ngoài hệ thống. Hệ thống nuôi gồm “sông” và ao trở thành một hệ sinh thái điển hình, luôn cân bằng trong quá trình vận hành. “Đặc biệt có ưu thế it thay nước, nên chủ động nguồn nước, cách ly bệnh dịch, thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn chế triệt để việc xói mòn đất, ô nhiễm nước”, ông Lê Văn Diệu chia sẻ.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email