Friday, April 19

Nông dân ‘bó gối’ chờ nước dù lúa giống đã nảy mầm

Nhiều vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Nghệ An đang thiếu nước tưới trầm trọng do nắng nóng gay gắt kéo dài. Ảnh: Ngọc Linh.

Nhiều vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Nghệ An đang thiếu nước tưới trầm trọng do nắng nóng gay gắt kéo dài. Ảnh: Ngọc Linh.

Nghệ An vốn là “chảo lửa” khu vực Bắc Trung bộ với nền nhiệt luôn duy trì ở mức cao. Năm nay diễn biến thời tiết còn bất lợi hơn nhiều, nắng nóng gay gắt kéo dài khiến sinh hoạt thường nhật của người dân bị xáo trộn nặng nề, nhiều diện tích cây trồng cũng đối diện với nguy cơ “khô khát” trên diện rộng nếu tình hình không sớm giảm nhiệt.

Vụ hè thu 2023, toàn tỉnh Nghệ An đặt ra chỉ tiêu gieo cấy khoảng 90.000ha lúa và hoa màu các loại. Trong bối cảnh thời tiết hết sức bất lợi, tình trạng thiếu nước xảy ra trên diện rộng, ngành nông nghiệp buộc phải có những điều chỉnh để thích ứng.

Đồng tiền đi liền khúc ruột, dẫu tâm lý đang xáo trộn bộn bề nhưng bà con nông dân không thể “cố đấm ăn xôi”, họ phải kiên nhẫn chờ thời điểm thích hợp mới có thể xuống giống.

Ông Hồ Văn Phiệt ngày đêm mong ngóng nước về để xuống giống vụ hè thu, đây cũng là tình cảnh chung của hàng trăm ngàn hộ dân khác trên địa bàn Nghệ An. Ảnh: Ngọc Linh.

Ông Hồ Văn Phiệt ngày đêm mong ngóng nước về để xuống giống vụ hè thu, đây cũng là tình cảnh chung của hàng trăm ngàn hộ dân khác trên địa bàn Nghệ An. Ảnh: Ngọc Linh.

Gia đình ông Hồ Văn Phiệt, trú tại xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên là một trường hợp như thế. Lộ rõ vẻ bồn chồn, bất an, ông Phiệt thật lòng chia sẻ: “Vụ này nhà tôi canh tác 1 mẫu ruộng, kế hoạch là thế nhưng đành bó gối ngồi chờ nước về. Chậm trễ ngày nào nông dân chúng tôi thiệt thòi ngày đó, giống má qua quá trình ngâm, ủ nay đã nảy mầm, kéo thêm ít ngày nữa có khi phải bỏ”.

Theo ghi nhận của Báo Nông nghiệp Việt Nam, đợt nắng nóng kéo dài thời gian qua khiến hàng trăm hồ chứa tại Nghệ An “đói nước”, cơ bản chỉ đạt khoảng 50% dung tích thiết kế. Mực nước trên Sông Lam cũng giảm mạnh, khiến các trạm bơm ở Nam Đàn, Đô Lương, Thanh Chương… gặp muôn vàn khó khăn trong quá trình vận hành.

Mực nước tại các hồ chứa đang xuống thấp. Ảnh: Việt Khánh.

Mực nước tại các hồ chứa đang xuống thấp. Ảnh: Việt Khánh.

Dự báo từ Trung tâm Khí tượng Thủy văn cho thấy diễn biến thời tiết vẫn rất khó lường, nắng nóng còn gay gắt, nhiệt độ vẫn duy trì ở mức cao, lượng mưa không đáng kể, mực nước trên Sông Lam và các hồ chứa khó đảm bảo. Kết hợp với điều kiện thực tại, rõ ràng nguy cơ thiếu nước sinh hoạt và sản xuất vụ hè thu đang dần hiện hữu.

Ông Tạ Duy Hiền, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy Lợi Nam Nghệ An cho biết thêm: “Công ty đã vận hành trên 20 trạm bơm, duy trì hoạt động cả ngày lẫn đêm, quá trình vận hành luôn giám sát chặt chẽ nhằm cung cấp đủ nguồn nước, đồng thời tránh lãng phí không đáng có. Công ty cũng thường xuyên tiến hành đo đạc, kiểm tra chất lượng nước để nắm bắt chính xác nồng độ mặn, qua đó cảnh báo kịp thời cho bà con, hạn chế ảnh hưởng đến kế hoạch thời vụ đã đặt ra”.

Song song với đó, Thủy lợi Nam Nghệ An cũng chủ động xây dựng các phương án chống hạn cụ thể cho từng xí nghiệp, từng vùng có nguy cơ xảy ra hạn hán. Trường hợp cấp bách sẽ khâu nối với các huyện, xã liên quan thực hiện đồng bộ trên diện rộng.

Nước Sông Lam giảm mạnh khiến các trạm bơm gặp muôn vàn khó khăn trong quá trình hoạt động. Ảnh: Ngọc Linh.

Nước Sông Lam giảm mạnh khiến các trạm bơm gặp muôn vàn khó khăn trong quá trình hoạt động. Ảnh: Ngọc Linh.

Nhằm hạn chế thiệt hại, Sở NN-PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã tập trung xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các phương án để cấp nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

Các địa phương phải phối hợp chặt chẽ với các công ty thủy lợi đóng trên địa bàn để chủ động nạo vét kênh mương, bờ vùng, bờ thửa. Bố trí sẵn sàng lực lượng, thiết bị để tận dụng tối đa các nguồn nước từ hồ đập, sông suối phòng khi có hạn hán xảy ra.

Quá trình vận hành các trạm bơm phải đảm bảo hài hòa, vừa phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp, lại tránh lãng phí không đáng có. Ảnh: Ngọc Linh.

Quá trình vận hành các trạm bơm phải đảm bảo hài hòa, vừa phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp, lại tránh lãng phí không đáng có. Ảnh: Ngọc Linh.

Ngoài ra, phải rà soát, đánh giá, cân đối khả năng nguồn nước để điều chỉnh kế hoạch sản xuất vụ hè thu – mùa phù hợp với điều kiện sẵn có tại địa phương.

Những diện tích không đảm bảo đủ nguồn nước xuyên suốt cả vụ nên chuyển sang gieo trồng các loại cây có nhu cầu tưới ít hơn, hoặc chuyển đổi mùa vụ nhằm đảm bảo khép kín diện tích.

Đến cuối tháng 5/2023, toàn tỉnh Nghệ An mới thu hoạch được hơn 60.000ha lúa xuân, chiếm khoảng 2/3 diện tích. Trong khi vụ hè thu mới gieo cấy được trên 500ha, đây là giai đoạn cao điểm về cấp nước để phục vụ gieo trồng cũng như tưới dưỡng cho lúa, do đó áp lực đặt ra hết sức nặng nề.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email