Thursday, March 28

Mùa thả nuôi tôm trong thế khó

Tiến độ thả nuôi chậm

Đến nay đã qua 5 tháng đầu năm 2023 nhưng tiến độ thả tôm nuôi vào vụ của một số địa phương ven biển vùng ĐBSCL chậm hơn so với cùng kỳ. Sóc Trăng là một trong những tỉnh có vùng nuôi tôm thâm canh lớn ở ĐBSCL nhưng đến tuần đầu tháng 5 diện tích thả nuôi mới chỉ hơn 13.500 ha. Trong đó, tôm thẻ chân trắng trên 11.120 ha, tôm sú 2.370 ha (đạt 26,5% so với kế hoạch) và 65% so với cùng kỳ.

Trại nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao của Công ty CP Thực phẩm Sao Ta. Ảnh: Hữu Đức.

Trại nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao của Công ty CP Thực phẩm Sao Ta. Ảnh: Hữu Đức.

Theo Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, mặc dù mức độ thả nuôi tôm toàn tỉnh bị thiệt hại chỉ khoảng 210 ha, thấp hơn gần 200 ha so với cùng kỳ, nhưng giá tôm thương phẩm giảm mạnh. Tùy theo cỡ tôm, giá giảm từ 3.000 đến 20.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2022.

Hiện nay, một Công ty tại Sóc Trăng phân loại theo chất lượng thu mua tôm thẻ với kích cỡ 50 con/kg, giá 105.000 – 121.000 đồng/kg, giảm từ 5.000 đến 21.000 đồng/kg so cùng kỳ. Loại tôm cỡ 100 con/kg, giá 87.000 – 102.000 đồng/kg, giảm từ 3.000 – 6.000 đồng/kg so cùng kỳ. Loại tôm cỡ nhỏ này hiện nay chỉ tiêu thụ chợ nội địa.

Một số thương lái mua bán tôm nhìn nhận, giá tôm đầu tháng 5 gần như chạm đáy. Ngoài ra, người nuôi tôm vào vụ thả nuôi chậm còn có nguyên nhân nước mặn về trễ. Trong khi đó bệnh EHP trên tôm nuôi hiện nay vẫn còn rất nhiều tiềm ẩn.

Về phía doanh nghiệp, ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (Fimex-VN) cho hay, khó khăn ngành tôm là giá bán thấp trong khi giá thành tôm cao. Giá tiêu thụ thấp do kinh tế thế giới lạm phát suy thoái và các nước Ecuador, Ấn Độ cung nhiều tôm giá rẻ. Đối với các doanh nghiệp tùy hoàn cảnh, sách lược mà có cách đối đầu khó khăn nêu trên. Tiết kiệm, giảm giá, nâng cao trình độ chế biến, nâng cao chất lượng, giới thiệu mặt hàng mới.

Vừa qua, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đề nghị Bộ Công thương đề xuất Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét giảm lãi suất vay USD cho các doanh nghiệp thủy sản để tiếp tục thu mua nguyên liệu trong nước sản xuất. Ông Lực cho rằng đây là một trong những giải pháp gỡ khó, cần được hỗ trợ sớm. Ông dự đoán khả năng đầu quý 3 thị trường xuất khẩu tôm sẽ khởi sắc hơn sau khi bán hết tồn kho từ trong năm.

Thời vụ thả nuôi đến 30/9/2023

Để mùa vụ nuôi tôm nước lợ năm 2023 đạt mục tiêu đề ra, Sở NN-PTNT Sóc Trăng đã yêu cầu các địa phương xây dựng lịch thả giống tôm cụ thể cho từng tiểu vùng. Hướng dẫn nông dân chuẩn bị tốt các điều kiện sản xuất. Tổ chức các lớp tập huấn nuôi tôm hai hoặc nhiều giai đoạn. Đồng thời, ngành nông nghiệp cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hướng dẫn người nuôi vận dụng lịch thả giống để ứng phó với thời tiết bất lợi.

Lịch thả giống vụ nuôi tôm nước lợ năm 2023 tại tỉnh Sóc Trăng bắt đầu từ ngày 15/1/2023 và kết thúc vào ngày 30/9/2023. Trong đó, đối với tôm thẻ chân trắng từ 15/1/2023 – 30/9/2023. Đối với tôm sú từ 15/3/2023 – 30/9/2023. Riêng đối với mô hình tôm – lúa phải bố trí thả nuôi tôm, thu hoạch kết thúc trước tháng 9 để chuẩn bị cho việc trồng lúa.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng đã tiến hành chủ trương thực hiện thu mẫu ngẫu nhiên định kỳ hàng tuần tại các cơ sở ương dưỡng tôm giống trên địa bàn tỉnh để phát hiện sớm các bệnh trên tôm nhằm xử lý dịch bệnh.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email