Thursday, April 18

‘Mắt thần’ giữ rừng

Phát hiện, xử lý kịp thời cháy rừng

Thanh Hóa có hơn 600.000ha rừng, trong đó có hơn 10.000ha rừng thông dễ cháy. Đặc biệt vào mùa khô, lực lượng kiểm lâm luôn phải duy trì lực lượng “trực chiến” 24/24 giờ tại các điểm nóng dễ phát sinh nguy cơ cháy.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ rừng phù hợp với điều kiện tình hình thực tiễn, Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa đã phối hợp với Trung tâm nghiên cứu Quản lý thiên tai và cháy rừng áp dụng hệ thống thiết bị giám sát cháy rừng tại những khu vực trọng điểm.

Tín hiệu từ camera được truyền qua mạng internet đến máy tính, thiết bị di động của cán bộ, bộ phận trực chỉ huy chữa cháy rừng từ tỉnh đến cơ sở, giúp phát hiện sớm các đám cháy. Ảnh: Quốc Toản.

Tín hiệu từ camera được truyền qua mạng internet đến máy tính, thiết bị di động của cán bộ, bộ phận trực chỉ huy chữa cháy rừng từ tỉnh đến cơ sở, giúp phát hiện sớm các đám cháy. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Lê Xuân Cải, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng (Chi cục Kiểm Lâm Thanh Hóa) cho biết, camera giúp theo dõi tình hình các khu vực rừng 24/24 giờ. Các tín hiệu được truyền qua mạng internet đến máy tính, thiết bị di động của bộ phận trực, giúp phát hiện sớm các đám cháy.

“Camera có vòng quét 360 độ để quan sát các phía. Tín hiệu camera có độ phân giải cao, tầm quan sát khoảng 10km. Camera khi quét sẽ tự động phân tích khói hay mây hoặc nơi đang có cháy và truyền tín hiệu về trung tâm quan sát. Nếu có cháy xảy ra, cán bộ trung tâm sẽ thông báo cho lãnh đạo đơn vị điều động phương tiện, lực lượng đến hiện trường ứng cứu kịp thời”, ông Cải cho biết.

Theo Phòng Quản lý bảo vệ rừng, đến nay trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hóa đã lắp đặt 11 hệ thống camera tại các huyện Hà Trung, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Thạch Thành, Nghi Sơn và TP Thanh Hóa. Camera giúp bao quát toàn bộ diện tích rừng rộng khoảng 70 nghìn ha.

Từ năm 2021 đến nay, camera giám sát đã phát hiện 22 đám cháy rừng và những khu vực có nguy cơ cao xảy ra cháy, giúp lực lượng kiểm lâm sớm nắm bắt, xử lý sự cố kịp thời.

“Trước đây, những đám cháy rừng thường được phát hiện rất muộn, gây thiệt hại không nhỏ cho chủ rừng và tài sản của người dân. Kể từ khi hệ thống camera đi vào động, tình trạng cháy rừng được hạn chế rõ rệt, giúp giảm sức người và vật tư chữa cháy”, ông Cải thông tin.

Giảm chi phí, tăng hiệu quả bảo vệ rừng

Hạt Kiểm lâm huyện Hà Trung quản lý hơn 8.000ha rừng. Hạt có 9 kiểm lâm viên, trung bình một cán bộ quản lý gần 1.000ha rừng. Do diện tích rừng lớn, phân bố manh mún tại nhiều xã, gây không ít khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Ông Trịnh Trung Nhật, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hà Trung (Thanh Hóa) cho biết: “Vào những đợt nắng nóng cao điểm, chúng tôi thường xuyên phải bố trí lực lượng canh lửa rừng 24/24 giờ. Kể từ khi lắp đặt hệ thống camera giám sát, lực lượng kiểm lâm đỡ vất vả hơn”.

Camera có vòng quét 360 độ để quan sát các phía. Tín hiệu camera có độ phân giải cao, tầm quan sát rộng khoảng 10km. Ảnh: Quốc Toản.

Camera có vòng quét 360 độ để quan sát các phía. Tín hiệu camera có độ phân giải cao, tầm quan sát rộng khoảng 10km. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Vũ Ngọc Luật, cán bộ Phòng Quản lý bảo vệ rừng cho hay, việc đưa hệ thống camera giám sát cháy rừng còn giúp giảm được chi phí bảo vệ rừng.

“Trước đây, cứ tới mùa khô, các địa phương có rừng phải lập rất nhiều chốt tại các điểm hay xảy ra cháy, mỗi chốt phải có ít nhất 2 đến 3 người. Kể từ khi áp dụng hệ thống camera giám sát rừng, lực lượng kiểm lâm không cần phải lập chốt và huy động người đi canh rừng. Bây giờ chỉ cần một người có thể giám sát cả nghìn ha rừng qua máy tính hoặc điện thoại. Camera giám sát giúp tiết kiệm được rất nhiều chi phí trong tác bảo vệ rừng”, ông Luật cho hay.

Cũng theo ông Luật, thiết bị giám sát còn giúp phát hiện sớm các thay đổi về thông tin lô rừng, từ đó kịp thời kiểm tra và cập nhật chính xác những biến động về rừng và đất lâm nghiệp (ngăn chặn tình trạng khai thác rừng trái phép, phá rừng làm nương rẫy…), phục vụ hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Ngoài ra, camera giám sát rừng còn góp phần bảo vệ tài nguyên rừng, môi trường sinh thái, bảo tồn và phát triển nguồn gen động vật, thực vật quý hiếm, ngăn chặn, hạn chế xói mòn, lũ lụt, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên phục vụ du lịch, giải trí và nghiên cứu khoa học.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email