Thursday, March 28

Làn sóng nghỉ việc của lực lượng bảo vệ rừng chưa chững lại

Khó chặn đứng làn sóng nghỉ việc

Tháng 11/2022, Báo Nông nghiệp Việt Nam từng có bài viết: “Làn sóng lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng xin nghỉ việc” phản ánh thực trạng lực lượng này ở Bình Thuận xin nghỉ việc ngày càng nhiều bởi trách nhiệm công việc nặng nề, thường xuyên làm việc 24 giờ nhưng thu nhập lại quá thấp.

Lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách tại Bình Thuận ngày càng nghỉ việc nhiều do lương thấp, áp lực trách nhiệm. Ảnh: Kim Sơ.

Lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách tại Bình Thuận ngày càng nghỉ việc nhiều do lương thấp, áp lực trách nhiệm. Ảnh: Kim Sơ.

Tưởng chừng làn sóng nghỉ việc này sẽ qua đi, thế nhưng thực tế vào những ngày giữa tháng 5, khi chúng tôi đến các Ban Quản lý rừng phòng hộ trên địa bàn các huyện Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh, Bắc Bình…các chủ rừng vẫn đau đầu, trăn trở không biết bao giờ mới trấn an làn sóng, từ đó anh em đoàn kết một lòng, vượt qua khó khăn thách thức thực hiện trách nhiệm giữ những cánh rừng thêm xanh.

Ông Nguyễn Văn Châu, Phó ban Phụ trách Ban quản lý rừng phòng hộ Hàm Thuận – Đa Mi, nơi đang quản lý, bảo vệ gần 20.000ha rừng ở vùng đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại các xã khó khăn như Đa Mi, Đông Tiến và La Dạ, huyện Hàm Thuận Bắc và nhiều cánh rừng tiếp giáp với khu dân cư của tỉnh Lâm Đồng tỏ vẻ bất lực khi từ đầu năm đến nay, thêm 3 người nghỉ việc nữa và 1 người mới viết đơn kiên quyết xin nghỉ dù đã nhiều lần được động viên.

Ông Nguyễn Văn Châu cho biết, đơn vị được giao 37 biên chế đối với lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách. Những năm gần đây, lực lượng cao nhất tại đơn vị đến 33 người, bởi vòng luẩn quẩn vào rồi lại nghỉ khiến đơn vị luôn trong tình trạng thiếu người. Vì vậy, với 4 người mới xin nghỉ việc, hiện đơn vị này thiếu đến 8 người.

Hiện Ban quản lý rừng phòng hộ Hàm Thuận Đa Mi thiếu 8 biên chế. Ảnh: Mai Phương.

Hiện Ban quản lý rừng phòng hộ Hàm Thuận Đa Mi thiếu 8 biên chế. Ảnh: Mai Phương.

Mấu chốt vấn đề xin nghỉ việc của lực lượng bảo vệ rừng nơi đây, theo ông Nguyễn Văn Châu cũng như các đơn vị chủ rừng khác trong tỉnh đó là trách nhiệm công việc nặng nề, thường xuyên làm việc 24 giờ nhưng thu nhập lại quá thấp. Người mới vào làm, mức lương nhận hàng tháng hơn 2,4 triệu đồng, còn đối vùng sâu vùng xa như chỗ ông Châu là 2,8 triệu, chứ không có nguồn thu nhập nào khác.

Trước đây, vào tháng 10/2010, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng được UBND tỉnh Bình Thuận cho hưởng 20% phụ cấp. Tuy nhiên từ tháng 8/2022, tỉnh này đã ban hành Quyết định số 25 bãi bỏ cho hưởng 20% phụ cấp này.

Lực lượng bảo vệ rừng làm việc cả ngày đêm chỉ mong những cánh rừng thêm xanh. Ảnh: Mai Phương.

Lực lượng bảo vệ rừng làm việc cả ngày đêm chỉ mong những cánh rừng thêm xanh. Ảnh: Mai Phương.

“Từ ngày bãi bỏ phụ cấp này, anh em rất tâm tư, lương vốn đã thấp lại không tăng mà giảm khiến không đủ trang trải cuộc sống thì làm sao họ toàn tâm toàn ý mà giữ rừng”, ông Châu bày tỏ.

Tương tự tại Ban quản lý rừng Phòng hộ La Ngà (huyện Tánh Linh) từ đầu năm đến nay nghỉ đến 9 người, nhưng rất may mới tuyển được 3 người nên giờ còn thiếu 6 biên chế. Còn tại Ban quản lý rừng phòng hộ Trị An (Tánh Linh), các lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách cứ nghỉ lai rai nên lúc nào cũng thiếu hụt lực lượng.

Ông Lê Văn Nam, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Trị An cho biết, từ đầu năm đến nay đơn vị nghỉ 2 người nên giờ thiếu 3 biên chế. Trong khi đó, hiện còn 3 người cũng dự định nghỉ và một trạm trưởng muốn xin thôi chức chuyển sang “làm lính” do thấy áp lực trách nhiệm của người đứng đầu càng nặng nề. Thực tế, những năm gần đây rất nhiều trạm trưởng bị khởi tố hình sự do để mất rừng.

Ông Lê Văn Nam, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Trị An (áo trắng) cho biết, nhiều trạm bảo vệ rừng đơn vị không có điện, nước. Ảnh: Kim Sơ.

Ông Lê Văn Nam, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Trị An (áo trắng) cho biết, nhiều trạm bảo vệ rừng đơn vị không có điện, nước. Ảnh: Kim Sơ.

“Lực lượng bảo vệ giữ rừng ở đây, chúng tôi đều tạo điều kiện cho anh em vừa làm vừa học. Anh em cũng muốn gắng bó với nghề nên bỏ công sức, tiền bạc để kiếm bằng đại học. Nhưng nhiều anh em thấy mức lương thấp, không đảm bảo cuộc sống lại áp lực công việc nên đành bỏ bằng để về làm thuê, làm ruộng”, ông Nam chia sẻ.

Cũng theo các chủ rừng, việc lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách nghỉ việc có cả những người có kinh nghiệm đến mười mấy năm trong ngành, họ có thể gánh vác công việc bằng 3-4 người mới vào làm. Nhưng các đơn vị chủ rừng không thể giữ được chân họ vì mức lương không đảm bảo cho cuộc sống gia đình nên phải rời đơn vị. Thậm chí có anh em nghỉ việc chẳng kiếm công việc ngon hơn, sẵn sàng làm phụ hồ, bảo vệ nhưng mức lương gấp nhiều lần bảo vệ rừng lại “ăn ngon ngủ yên”, gần vợ, gần con và không phải suy nghĩ đến trách nhiệm nặng nề nếu sơ sót để xảy ra mất rừng.

Cần lắm chính sách hỗ trợ kịp thời

Ông Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận cho biết, tình trạng lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng xin nghỉ và nộp đơn xin nghỉ ngày càng nhiều, ngành nông nghiệp Bình Thuận cũng đã nắm bắt. Đây cũng là tình trạng chung cho hầu hết các chủ rừng Nhà nước, nhất là các Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.

Trạm bảo vệ rừng Đức Tân thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Trị An xập xệ, lực lượng sống trong cảnh không có điện, nước. Ảnh: Mai Phương.

Trạm bảo vệ rừng Đức Tân thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Trị An xập xệ, lực lượng sống trong cảnh không có điện, nước. Ảnh: Mai Phương.

Tại Bình Thuận chỉ tính từ năm 2022 đến nay, các đơn vị chủ rừng đã giải quyết cho nghỉ việc 61 trường hợp (4 tháng năm 2023 là 14 người) và 85 trường hợp có đơn xin nghỉ việc nhưng chưa giải quyết bởi đang vận động, thuyết phục để tiếp tục làm việc, thực hiện chức trách bảo vệ rừng. Trong khi đó, công tác tuyển dụng người mới cũng hết sức khó khăn để bù vào vị trí nhân viên bảo vệ rừng nghỉ việc, bình quân mỗi đơn vị chủ rừng thiếu từ 5 – 8 người, tương ứng thiếu từ 10 – 20% chỉ tiêu định biên được giao nên rất khó khăn trong công tác quản lý rừng trong tình hình hiện nay.

Trước tình hình trên, để lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách yên tâm công tác và tuyển dụng được người bảo vệ rừng, theo ông Lê Thanh Sơn, cần lắm chính sách hỗ trợ cho lực lượng này. Bởi họ quả thật thường xuyên làm việc bất kể ngày đêm, lễ tết hay thứ 7, chủ nhật và trực tiếp làm việc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như nắng nóng, mưa rừng… Cũng như trực tiếp đối đầu với đối tượng vi phạm pháp luật sẵn sàng chống trả hoặc tấn công lực lượng bảo vệ rừng.

Bữa cơm tuần tra rừng của lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách. Ảnh: Mai Phương.

Bữa cơm tuần tra rừng của lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách. Ảnh: Mai Phương.

Trước tình hình khó khăn, vất vả của lực lượng bảo vệ rừng, một số tỉnh cũng đã ban hành nghị quyết để hỗ trợ kịp thời. Chẳng hạn như được biết, Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai đã ban hành Nghị quyết số 03 ngày 20/4/2023 về quy định mức hỗ trợ đối với lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh này giai đoạn 2023 – 2027.

Do đó, để có cơ sở tham mưu UBND tỉnh Bình Thuận trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét ban hành Nghị quyết quy định mức hỗ trợ đối với lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng trên địa bàn, Sở NN-PTNT đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh có chủ trương cho phép đoàn công tác của tỉnh đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm việc xây dựng nghị quyết này.

Về lâu dài, để hỗ trợ giúp cho lực lượng bảo vệ rừng an tâm công tác và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Sở NN-PTNT Bình Thuận kiến nghị Bộ NN- PTNT sớm đề xuất chính sách phù hợp cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách; vì đây là lực lượng trực tiếp đối đầu với nguy hiểm, gian khổ, khó khăn để bảo vệ rừng tận gốc.

Nhiều trạm bảo vệ rừng không điện, nước

Theo các chủ rừng, nỗi khổ của lực lượng bảo vệ rừng chỉ những người trong cuộc mới thấu hiểu, còn muốn biết nỗi khổ của người giữ rừng thì hãy đến các Ban quản lý rừng để trải nghiệm. Nhiều trạm bảo vệ rừng, hiện lực lượng bảo vệ rừng sống trong cảnh thiếu thốn, không có điện, nước. Ông Lê Văn Nam, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Trị An, cho hay, tại đơn vị 2 trạm bảo vệ rừng chưa có điện, nước. Lực lượng bảo vệ rừng tại đây thường xuyên trèo đèo, lội suối để tuần tra rừng và ngủ tại rừng. Cũng như thường xuyên đối diện trực tiếp với “lâm tặc” và “địa tặc” vô vàn hiểm nguy rình rập… Gần nhất là vào năm ngoái, do ngăn chặn trồng cây lấn chiếm đất rừng, một trạm bảo vệ rừng của đơn vị bị đầu độc nước trừ sâu vào giếng. May 3 người ở tại trạm phát hiện nước có mùi nên không sử dụng chứ không hậu quả khôn lường. Đặc biệt, vùng rừng giáp ranh của đơn vị với huyện Đa Huoai (Lâm Đồng) trừ những năm dịch bệnh và năm 2022, chứ năm nào cũng phải “căng mình” ngày đêm giữ rừng. Bởi hàng chục người thường xuyên ùa vào rừng chặt phá rừng trái phép thả xuống sông.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email