Thursday, April 18

Gỡ khó trong quản lý chi phí dự án: Thái độ cán bộ phải thay đổi

Ngày 30/5, Bộ NN-PTNT phối hợp Bộ Xây dựng cùng Tổng hội Xây dựng Việt Nam tổ chức Hội nghị thảo luận và tháo gỡ các vướng mắc trong quản lý chi phí và hợp đồng xây dựng các dự án do Bộ NN-PTNT quản lý.

Nhiều bất cập trong công bố chi phí xây dựng

Trả lời câu hỏi của các chủ đầu tư về tình trạng giá vật liệu xây dựng do địa phương công bố thấp hơn so với thị trường, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) xác nhận “có xuất hiện tình trạng trên”.

“Trong giai đoạn giá vật liệu xây dựng tăng cao, việc công bố của một số địa phương chưa đầy đủ, cập nhật, thậm chí chênh lệch so với giá thị trường gây khó khăn cho nhà đầu tư”, ông Tuấn cho hay.

Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng). Ảnh: Quang Linh.

Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng). Ảnh: Quang Linh.

Theo quy định trong Luật Xây dựng 2014, thẩm quyền công bố giá vật liệu xây dựng thuộc UBND cấp tỉnh, hoặc phân cấp, ủy quyền cho cấp sở. Việc công bố giá vật liệu xây dựng phải phù hợp với giá thị trường, gắn với quy chuẩn, tiêu chuẩn, nguồn gốc xuất xứ, phù hợp với khả năng cung ứng của thị trường.

Để tháo gỡ vướng mắc trên, trong năm 2023, Bộ Xây dựng đã thành lập 6 đoàn kiểm tra việc công bố vật liệu xây dựng đủ danh mục, tiêu chuẩn, xuất xứ, thường xuyên công bố giá và chỉ số giá xây dựng để giúp hoạt động quản lý xác lập chi phí và quản lý hợp đồng trong giai đoạn thực hiện dự án thuận lợi.

Liên quan đến phản ánh chi phí vận chuyển tại một số địa phương rất thấp so với thị trường, ông Hoàng Anh Tuấn cho biết, vừa qua, Bộ Xây dựng đã công bố về định mức vận chuyển cho ô tô 7 tấn trở lên và đang rà soát công bố đối với các phương tiện vận tải có trọng tải thấp hơn phù hợp với điều kiện thực tiễn, nhất là ở khu vực Nam bộ.

Trước thực trạng chủ đầu tư tại các dự án đi qua địa bàn 2 tỉnh lúng túng do giá nhân công công bố giữa các địa phương khác nhau, ông Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh, căn cứ theo Điều 26, Nghị định số 10/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, trường hợp chủ đầu tư thấy không phù hợp thì tổ chức xác định giá nhân công theo thị trường.

Bên cạnh đó, các chủ đầu tư cần lấy ý kiến của Bộ Xây dựng, cơ quan chuyên môn địa phương để đánh giá phương pháp đánh giá, dữ liệu thu thập,…để có dữ liệu đơn giá nhân công tương đồng với cơ quan chuyên môn địa phương công bố.

Gỡ khó cho dự án, cán bộ phải ‘dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm’

Về kế hoạch đầu tư công trung hạn do Bộ NN-PTNT quản lý, trong năm 2023, Bộ được giao 9.852 tỉ đồng (trong đó vốn trong nước 8.052 tỉ đồng, vốn nước ngoài 1.800 tỉ đồng) và 1.614 tỉ đồng đề nghị kéo dài từ năm 2022 sang năm nay.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Quang Linh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Quang Linh.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, nếu không tính nguồn vốn giao cho các địa địa phương, Bộ NN-PTNT được giao vốn đầu tư công trung hạn nhiều thứ hai (sau Bộ GTVT). Do đó, việc tháo gỡ các vướng mắc trong quản lý chi phí và hợp đồng xây dựng các dự án do Bộ NN-PTNT quản lý mang ý nghĩa rất quan trọng để lấy lại đà tăng trưởng của ngành nông nghiệp nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung trong nửa sau năm 2023.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, điều quan trọng nhất để tháo gỡ khó khăn cho các dự án là thái độ làm việc của từng cán bộ phải thay đổi, phải có tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”.

Ông Nguyễn Hải Thanh, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình cho biết, Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng cùng Tổng Hội Xây dựng Việt Nam để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động quản lý, đảm bảo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của toàn ngành nông nghiệp.

Thời gian tới, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình sẽ tiếp tục triển khai các hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và chủ đầu tư các dự án do Bộ NN-PTNT quản lý.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email