Thursday, April 25

Đô thị sinh thái Phong Điền đi lên từ huyện nông thôn mới nâng cao

Tiến nhanh, vững bước

UBND TP Cần Thơ đã ban hành Kế hoạch thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn thành phố năm 2023. Trong đó, thành phố đề ra mục tiêu cụ thể tiếp tục rà soát, củng cố, nâng 36 xã đạt chuẩn NTM phải đảm bảo đạt theo bộ tiêu chí của TP Cần Thơ về NTM giai đoạn 2021 – 2025.

Diện mạo nông thôn ở TP Cần Thơ ngày càng trở nên khởi sắc. Ảnh: Kim Anh.

Diện mạo nông thôn ở TP Cần Thơ ngày càng trở nên khởi sắc. Ảnh: Kim Anh.

Đồng thời, nâng chất các xã đã đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2016 – 2021. Khuyến khích phát triển các loại hình kinh tế hợp tác (HTX, THT, trang trại) sản xuất quy mô lớn, tập trung và ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Bên cạnh đó, triển khai sâu rộng các đề án, dự án, quy hoạch, kế hoạch của ngành nông nghiệp nhằm chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân. Quan trọng là tập trung xây dựng những vùng sản xuất lớn theo mô hình cánh đồng lớn gắn với bao tiêu sản phẩm. Cùng với đó mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp.

Cần Thơ hướng đến thực hiện hiệu quả chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” gắn với xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, khôi phục các làng nghề gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch homestay du lịch cộng đồng.

Theo Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới TP Cần Thơ, 6 tháng đầu năm nay, nhiều hoạt động xây dựng NTM ở các huyện đã trở nên hiệu quả hơn, có sự chuyển biến mạnh về chất lượng, tập trung vào những vấn đề cấp thiết và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Nhờ đó, diện mạo nông thôn ngày càng trở nên khởi sắc, kết cấu hạ tầng phát triển, đặc biệt là hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi, sản xuất nông nghiệp có chuyển dịch tiến bộ trong cơ cấu, theo hướng hàng hóa gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ.

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, yếu tố cốt lõi trong xây dựng NTM là kinh tế nông thôn ngày càng phát triển, đời sống vật chất của người dân được nâng cao, văn hóa tinh thần cũng trở nên tốt hơn.

Trong năm 2023, TP Cần Thơ phấn đấu có 2 sản phẩm OCOP 5 sao được công nhận. Ảnh: Kim Anh.

Trong năm 2023, TP Cần Thơ phấn đấu có 2 sản phẩm OCOP 5 sao được công nhận. Ảnh: Kim Anh.

So với các địa phương khác ở khu vực ĐBSCL, TP Cần Thơ có nhiều điều kiện trong xây dựng NTM. Hạ tầng giao thông nông thôn được đầu tư khang trang, liên huyện, thuận lợi trong việc lưu thông, mua bán, vận chuyển vật tư nông nghiệp tới đồng ruộng. Hơn nữa địa giới hành chính cũng tương đối tinh gọn, việc đầu tư cho hạ tầng điện, nước từ đó cũng thuận tiện hơn. Vì thế, ông Hè đề nghị các địa phương cần quyết liệt, bài bản, đi nhanh, đi trước trong xây dựng NTM và phát triển sản phẩm OCOP.

Đối với các huyện cần tiến hành rà soát lại các xã đã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, nhất là các tiêu chí về hạ tầng giao thông và thu nhập của người dân để dồn sức chỉ đạo theo hướng có tập trung, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, quan tâm hỗ trợ người dân.

Đối với Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, từ đầu năm đến nay, Văn phòng Điều phối nông thôn mới đã nhận được 60 hồ sơ sản phẩm tiềm năng đăng ký đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP năm 2023 của 28 chủ thể. Trong đó có 16 sản phẩm tham gia đánh giá và xếp hạng lại, 44 sản phẩm mới.

Trong năm 2023, Cần Thơ phát triển thêm 1 làng du lịch kết hợp với các sản phẩm của địa phương. Phấn đấu có 10 sản phẩm OCOP 3 sao, 10 sản phẩm OCOP 4 sao và 2 sản phẩm OCOP 5 sao được công nhận.

Ông Hè cũng nhấn mạnh, các địa phương cần quan tâm chăm bồi, hướng dẫn, hỗ trợ cho các chủ thể đăng ký sản phẩm mới. Đặc biệt là xây dựng nên câu chuyện thương hiệu cho sản phẩm, để tạo sức hấp dẫn khi thực hiện tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đầu tư.

Đô thị sinh thái tương lai

Vào năm 2016, huyện Phong Ðiền trở thành huyện đầu tiên của TP Cần Thơ đạt chuẩn NTM. Lấy đà đó, trong Kế hoạch, huyện Phong Điền định hướng sẽ trở thành huyện NTM nâng cao trong năm 2023.

Huyện Phong Điền sáng tạo, khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế, xây dựng huyện NTM nâng cao theo hướng đô thị sinh thái trong năm 2023. Ảnh: Kim Anh.

Huyện Phong Điền sáng tạo, khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế, xây dựng huyện NTM nâng cao theo hướng đô thị sinh thái trong năm 2023. Ảnh: Kim Anh.

Là địa phương có lợi thế về sản xuất cây ăn trái và phát triển du lịch sinh thái, những năm qua huyện Phong Điền xác định nâng cao thu nhập cho người dân là yêu cầu quan trọng. Thông qua việc triển khai hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng các mô hình chuyên canh ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao chất lượng nông sản, nhất là phát triển các chuỗi liên kết trong sản xuất.

Ông Nguyễn Út Em, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phong Điền cho biết, với đặc thù là huyện nông nghiệp, trong xây dựng NTM huyện tập trung thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đặc biệt là cây ăn trái có giá trị cao. Hơn nữa, với lợi thế về du lịch sinh thái, trong xây dựng NTM, huyện Phong Điền hướng tới phát triển du lịch cộng đồng, góp phần xây dựng Phong Điền trở thành đô thị sinh thái trong thời gian tới.

“Trải qua, 2 giai đoạn xây dựng NTM, người dân Phong Điền đã ý thức rõ giá trị mà chương trình NTM mang lại. Từ đó, có những đóng góp, hỗ trợ tích cực cùng chính quyền địa phương trong các phong trào xây dựng giao thông nông thôn, tạo cảnh quan trên các tuyến đường, tham gia các chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm”, ông Út Em bộc bạch.

Hiện nay, huyện Phong Điền đã có 6/6 xã hoàn thành 100% các tiêu chí trong xây dựng xã NTM nâng cao. Riêng đối với xã Mỹ Khánh phấn đấu hoàn thành các tiêu chí về thu nhập, mô hình ấp thông minh và lĩnh vực du lịch… để đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu trong năm 2023.

Cây ăn trái là sản phẩm đặc thù, mang tính mùa vụ, dù là lợi thế nhưng cũng gây không ít khó khăn, thách thức cho huyện Phong Điền trong việc phát triển các sản phẩm OCOP.

Ông Út Em bày tỏ, hiện nay địa phương có ít sản phẩm OCOP, chỉ có 2 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao, việc sơ chế, chế biến, đóng gói chưa phát triển. Trong năm 2023, huyện đã đề xuất 5 sản phẩm tham gia đăng ký xếp hạng sản phẩm OCOP, trong đó có 1 làng du lịch ở xã Mỹ Khánh.

Bên cạnh đó, huyện Phong Điền đang rà soát lại các HTX đủ năng lực trên địa bàn, để thực hiện công tác kết nối, liên kết với các doanh nghiệp, xây dựng các cơ sở chế biến để tạo đầu ra ổn định cho nông sản của địa phương.

Huyện Phong Điền xác định, triển khai hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng các mô hình chuyên canh ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao chất lượng nông sản, là cần thiết trong xây dựng NTM. Ảnh: Kim Anh.

Huyện Phong Điền xác định, triển khai hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng các mô hình chuyên canh ứng dụng khoa học công nghệ nâng cao chất lượng nông sản, là cần thiết trong xây dựng NTM. Ảnh: Kim Anh.

Phong Điền có 24 mô hình sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP với diện tích khoảng 286ha và 1 mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP với quy mô trên 16ha. Các hoạt động sản xuất đã góp phần tăng mức thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt trên 67 triệu đồng/người/năm. Chủ động, sáng tạo, khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế, xây dựng huyện NTM nâng cao theo hướng đô thị sinh thái là mục tiêu hướng đến trong năm 2023 của huyện Phong Điền.

Phong Điền hiện có 6 nhãn hiệu đã được cấp văn bằng bảo hộ là: Sầu riêng Tân Thới, chanh không hạt Trường Long, cam mật không hạt Tám Đảo, vú sữa Trường Khương A, bánh hỏi mặt võng Út Dzách và trà cao Trường Phát. Phòng NN-PTNT huyện đang triển khai xây dựng mô hình sản xuất vú sữa theo chuỗi giá trị và phát triển nhãn hiệu sầu riêng Tân Thới.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email