Friday, April 19

Đề nghị Canada hỗ trợ cải thiện đa dạng sinh học, nông nghiệp thông minh

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến tiếp và làm việc với Thứ trưởng Bộ Các vấn đề Toàn cầu Canada Weldon Epp sáng 1/6. Ảnh: Linh Linh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến tiếp và làm việc với Thứ trưởng Bộ Các vấn đề Toàn cầu Canada Weldon Epp sáng 1/6. Ảnh: Linh Linh.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến bày tỏ cảm ơn tới Chính phủ Canada trong thời gian qua đã hỗ trợ dự án trong các lĩnh vực an toàn thực phẩm, phát triển hợp tác xã.

Dự án “Phát triển hợp tác xã Việt Nam” đã giúp xây dựng 5 HTX theo chuỗi giá trị với 2.298 thành viên. Dự án “An toàn thực phẩm vì sự phát triển” giúp hỗ trợ phát triển và thực thi các quy định về an toàn thực phẩm được xây dựng trên cơ sở khoa học và phương pháp tiếp cận dựa trên nguy cơ; hướng tới nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng và thúc đẩy thay đổi hành vi dẫn tới gia tăng nhu cầu và tiêu thụ nông sản an toàn, giá cả phải chăng ở Việt Nam.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cảm ơn phía Canada đã hỗ trợ Bộ với dự án an toàn thực phẩm và tổ chức Hội nghị Lương thực thực phẩm bền vững tháng 4 vừa qua. Thứ trưởng mong muốn Canada tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng đề nghị Canada hỗ trợ Bộ thực hiện Kế hoạch thích ứng Biến đổi khí hậu và chuyển đổi số; tăng cường năng lực, chương trình dạy nghề và nâng cao năng lực về nghiên cứu khoa học.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng ngành nông nghiệp Việt Nam và Canada không có sự đối đầu song tiềm năng, lợi thế vẫn chưa được khai thác. Ảnh: Linh Linh.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng ngành nông nghiệp Việt Nam và Canada không có sự đối đầu song tiềm năng, lợi thế vẫn chưa được khai thác. Ảnh: Linh Linh.

Để góp phần tăng cường thương mại nông sản giữa hai nước, thiết lập cơ chế giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực SPS, Bộ NN-PTNT và Cơ quan Thanh tra thực phẩm Canada đã ký kết Bản ghi nhớ về Hợp tác trong lĩnh vực an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật. Từ đó, các vướng mắc, rào cản về tiếp cận thị trường nông sản đã được được xử lý.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định hai nước có tiềm năng, lợi thế rất lớn, hai ngành nông nghiệp không có sự đối đầu song tiềm năng, lợi thế vẫn chưa được khai thác. Về các sản phẩm có nguồn gốc động vật và nguồn gốc thực vật, Bộ sẽ giao đơn vị tiếp tục phối hợp với phía Canada để tạo môi trường thuận lợi cho thương mại. Bộ đề nghị phía Canada kết nối với các đơn vị của Bộ để giải quyết các vướng mắc.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng trao đổi về Chiến lược Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương của Canada nhằm tăng cường sự tham gia của Canada tại khu vực này cũng như sự đóng góp của Canada cho hòa bình và an ninh khu vực.

Hiện nay, Việt Nam đang tham gia Sáng kiến toàn cầu về tăng trưởng xanh, phát thải thấp, bảo tồn tài nguyên, Bộ cũng phối hợp với Diễn đàn Kinh tế thế giới triển khai 2 sáng kiến lớn là Trung tâm đổi mới sáng tạo thực phẩm cho vùng Đông Nam Á và 100 triệu nông dân phát thải thấp…

Thứ trưởng đề nghị phía Canada hỗ trợ cải thiện đa dạng sinh học, nông nghiệp thông minh với biến đổi khí hậu, nông nghiệp tuần hoàn; chuỗi thực phẩm bền vững, cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng, đặc biệt tại cộng đồng dân tộc thiểu số, miền núi và xây dựng thị trường các-bon trong lĩnh vực nông – lâm nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Các vấn đề Toàn cầu Canada Weldon Epp cho biết Canada mong muốn cơ hội làm việc với Việt Nam để thúc đẩy các sản phẩm nông nghiệp khác sang thị trường Việt Nam. Ảnh: Linh Linh.

Thứ trưởng Bộ Các vấn đề Toàn cầu Canada Weldon Epp cho biết Canada mong muốn cơ hội làm việc với Việt Nam để thúc đẩy các sản phẩm nông nghiệp khác sang thị trường Việt Nam. Ảnh: Linh Linh.

Về phía Canada, Thứ trưởng Bộ Các vấn đề Toàn cầu Canada Weldon Epp chia sẻ ấn tượng với mục tiêu tăng trưởng xanh và lương thực thực phẩm bền vững của Việt Nam.

“Chúng tôi đánh giá rất cao cam kết của Chính phủ Việt Nam về đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0, các mục tiêu đặt ra về chống chịu biến đổi khí hậu. Đây cũng là lĩnh vực Canada đánh giá là quan trọng và cam kết sẽ tìm kiếm các cơ hội để hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực trong góc độ khoa học kỹ thuật cũng như ứng dụng để phát triển xanh, phát triển bền vững”, ông Epp cho biết.

Canada có cam kết cao hỗ trợ các hoạt động thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu. Cho tới nay, các cam kết lớn về nguồn lực của Canada vẫn chưa được tận dụng tối đa. Ông Epp hy vọng trong tương lai có thể tìm kiếm các cơ hội hỗ trợ khu vực và Việt Nam với các chương trình, dự án trong lĩnh vực này.

Thứ trưởng Bộ Các vấn đề Toàn cầu Canada cho biết Việt Nam đang là nước ASEAN có kim ngạch trao đổi thương mại cao nhất với Canada, phần lớn là thành quả của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đem lại.

Trong khuôn khổ của hiệp định này, ông Epp mong muốn hai bên sẽ có nhiều cơ hội để hợp tác kỹ thuật hơn để giải quyết các vấn đề khúc mắc trên cơ sở khoa học, tập trung giải quyết các vấn đề quy định, luật pháp giữa hai nước.

Trong khuôn khổ Chiến lược Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương, về chính sách thương mại, phía Canada muốn thúc đẩy xây dựng và đàm phán một hiệp định thương mại tự do với ASEAN, một trong những hoạt động cụ thể là thành lập một văn phòng nông nghiệp của Canada tại ASEAN.

Văn phòng này có đại diện của Bộ Nông nghiệp Canada, Cơ quan Thanh tra An toàn thực phẩm Canada, đội ngũ chuyên gia thú ý, bảo vệ thực vật, các nhà khoa học làm việc tại khu vực này. Như vậy, Canada có khả thể hợp tác chặt chẽ với phía Việt Nam từ góc độ kỹ thuật để giải quyết các vấn đề khúc mắc như SPS hay các vấn đề thương mại khác một cách nhanh chóng.

Phía Canada mong muốn cơ hội làm việc với Việt Nam để thúc đẩy các sản phẩm nông nghiệp khác sang thị trường Việt Nam như khoai tây giống, các sản phẩm từ thịt lợn, các sản phẩm thức ăn cho thú cưng và sản phẩm bột thịt xương từ động vật nhai lại.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email