Wednesday, April 24

Để chính sách bảo hiểm thất nghiệp gắn với thị trường lao động

Lợi ích khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Chính sách Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) không chỉ hướng tới hỗ trợ một phần thu nhập cho người lao động khi mất việc làm (trợ cấp thất nghiệp) mà còn gắn với chính sách thị trường lao động, nhất là chính sách theo hướng chủ động, giúp người lao động sớm quay trở lại thị trường lao động (tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề) và duy trì việc làm của người lao động.

Luật Việc làm năm 2013 quy định các điều kiện để được hưởng trợ cấp thất nghiệp, đồng thời quy định cụ thể đối với các nhóm lao động khác nhau, thể hiện đầy đủ các nguyên tắc của chính sách BHTN, chia sẻ rủi ro cũng như xét đến các trường hợp đặc thù không đảm bảo điều kiện được hưởng trợ cấp thất nghiệp đã góp phần hỗ trợ một phần thu nhập cho người thất nghiệp, đồng thời đảm bảo được tính công bằng giữa các đối tượng thụ hưởng, đồng thời, khắc phục được việc lợi dụng, trục lợi chính sách BHTN.

Người lao động làm thủ thục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm Đà Nẵng. Ảnh: Nam Khánh.

Người lao động làm thủ thục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ Việc làm Đà Nẵng. Ảnh: Nam Khánh.

Các quy định liên quan thông báo tìm kiếm việc làm, tạm dừng, tiếp tục, chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp được quy định với mục đích giúp người thất nghiệp nhanh chóng tìm được việc làm, sớm quay trở lại thị trường lao động. Không chỉ tập trung vào việc nhận trợ cấp thất nghiệp mà còn quy định về bảo lưu thời gian đóng BHTN đã góp phần đảm bảo sự công bằng cho đối tượng tham gia.

Trong giai đoạn bùng phát đại dịch Covid-19, thực hiện NQ số 03/2021/UBTVQH15, NQ 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ BHTN đã kịp thời hỗ trợ hơn 346 nghìn đơn vị với gần 12 triệu lao động giảm đóng BHTN khoảng 9.211 tỷ đồng; hỗ trợ gần 13 triệu lao động với số tiền hơn 30.802 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề, các quy định đều tạo thuận lợi cho người lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí, tạo thuận lợi trong việc học nghề. Quy định về điều kiện được hỗ trợ học nghề (đã đóng BHTN từ đủ 9 tháng trở lên) so với quy định hưởng trợ cấp thất nghiệp (đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên) tạo cơ hội cho người thất nghiệp được học nghề để nâng cao, chuyển đổi tay nghề ngay cả khi chưa nhận được trợ cấp thất nghiệp.

Theo Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), giai đoạn từ 2015 đến nay, số đối tượng được thụ hưởng các chế độ BHTN không ngừng tăng qua các năm, chính sách BHTN đã phát huy vai trò quan trọng, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vừa qua, cụ thể:

Năm 2021, có gần 1.8 triệu lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm, tăng gấp 3,8 lần so với năm 2015, bình quân tăng 94%/năm, trong đó tỷ lệ giới thiệu việc làm thành công đạt khoảng 35%. Tổng số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trên cả nước năm 2021 là 801.925 người, tăng gấp 1,5 lần so với năm 2015, bình quân tăng 42%/năm.

Cũng trong năm 2021, có 764.643 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng gấp 1,5 lần so với năm 2015, bình quân tăng 42%/năm. 100% người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp đều được cơ quan BHXH cấp thẻ bảo hiểm y tế theo đúng quy định hiện hành, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động có thể khám chữa bệnh và sớm trở lại thị trường lao động. Cùng với việc nhận trợ cấp thất nghiệp, số người có quyết định hỗ trợ học nghề năm trong cả giai đoạn 2015 – 2021 là 212.444 người, bình quân 30.349 người/năm.

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp chưa gắn với thị trường lao động

Sau hơn 8 năm Luật Việc làm đi vào cuộc sống, quy định về BHTN cho thấy vẫn còn hạn chế khi chưa bao phủ hết các đối tượng có quan hệ lao động, còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, chưa chú ý thoả đáng đến các giải pháp phòng ngừa thất nghiệp.

Đồng thời cũng chưa xây dựng được chính sách BHTN thành chính sách bảo hiểm việc làm hoặc chính sách BHTN với các chế độ theo hướng chính sách thị trường lao động chủ động như: các chương trình bảo đảm việc làm, hỗ trợ người sử dụng lao động tuyển dụng, sử dụng một số đối tượng như lao động là người khuyết tật, dân tộc thiểu số, người cao tuổi và các hỗ trợ đột xuất khác.

Đối với chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động quy định tại Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn khá chặt chẽ, hiếm khi xảy ra, do đó, người sử dụng lao động khó khăn trong việc tiếp cận được với chế độ này.

Người lao động làm thủ tục hồ sơ đăng ký ứng tuyển tại phiên giao dịch việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Phúc.

Người lao động làm thủ tục hồ sơ đăng ký ứng tuyển tại phiên giao dịch việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Phúc.

Theo báo cáo của các địa phương, tính tới hết tháng 6/2021, chưa có doanh nghiệp nào được hỗ trợ theo chế độ này cho đến khi NQ số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ đã mở rộng một trong các điều kiện hưởng chế độ này theo hướng đơn vị thay đổi cơ cấu công nghệ theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động.

Tính đến hết tháng 6/2022 đã có 57 đơn vị được hỗ trợ gần 70 tỷ đồng từ nguồn Quỹ BHTN để đào tạo duy trì việc làm cho gần 12.000 người lao động. Do đó, cần sửa đổi Luật Việc làm theo hướng này để tăng cường hơn nữa hỗ trợ người sử dụng lao động từ Quỹ BHTN.

Trong chế độ trợ cấp thất nghiệp, Luật Việc làm quy định mức hưởng đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở không còn phù hợp với định hướng trong giai đoạn tới về thực hiện chủ trương bỏ mức lương cơ sở theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương (khóa XII) về cải cách chính sách tiền lương đối với công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Đồng thời, chưa có quy định xử lý tiền trợ cấp thất nghiệp và số tháng đóng BHTN đối với người bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp nên khó khăn trong việc tổ chức thực hiện BHTN. Luật Việc làm cũng chưa có quy định về luân chuyển hồ sơ hưởng cũng như việc xử lý số tiền hưởng sai mà không thu hồi được và trách nhiệm của các bên; mặt khác, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ của các Trung tâm Dịch vụ Việc làm còn hạn chế.

Về chế độ tư vấn, giới thiệu việc làm, Luật Việc làm quy định chỉ áp dụng đối với người lao động chấm dứt HĐLĐ/hợp đồng làm việc có nhu cầu tư vấn, giới thiệu việc làm. Tuy nhiên, trong thực tế rất nhiều người lao động đang tham gia BHTN cũng có nhu cầu được hỗ trợ để tìm kiếm cơ hội việc làm phù hợp hơn. Hiện nay, chưa có quy định về chi phí cho hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm nên khó khăn đối với các Trung tâm Dịch vụ Việc làm trong tổ chức thực hiện như thu thập thông tin thị trường lao động, thông tin người tìm việc – việc tìm người…

Theo Luật việc làm, chế độ hỗ trợ học nghề mới chỉ tập trung giải quyết được nhu cầu học nghề cho người thất nghiệp mà chưa có giải pháp hỗ trợ cho người lao động được đào tạo, phát triển kỹ năng nghề hoặc nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động.

Ngoài ra, mức hỗ trợ học nghề còn tương đối thấp, chỉ hỗ trợ học phí học nghề, chưa có các hỗ trợ khác trong thời gian học nghề dẫn đến khó khăn trong việc tham gia học nghề nhất là với những người cư trú xa cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Công nhân Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam sau giờ tan ca. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Công nhân Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam sau giờ tan ca. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Mặt khác, chưa có quy định giao Chính phủ chủ động xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động từ kết dư Quỹ BHTN trong các tình huống đột xuất như khủng hoảng thị trường, suy thoái kinh tế, thiên tai, dịch bệnh… để kịp thời giảm bớt khó khăn cho các đối tượng này giống như chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ BHTN được thực hiện theo Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 .

Đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách

Để chính sách BHTN thực sự gắn với thị trường lao động, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất sửa đổi, bổ sung điều kiện hỗ trợ theo hướng bỏ nội dung “gặp khó khăn do suy giảm kinh tế”, quy định rõ người sử dụng lao động được hỗ trợ khi gặp khó khăn trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế theo quy định của pháp luật lao động hoặc trong trường hợp thực hiện cam kết chuyển đổi năng lượng.

Sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng những người đang tham gia BHTN đều được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí. Bổ sung quy định về hình thức cung ứng dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm, kinh phí thực hiện phù hợp với định hướng sửa đổi Luật giá.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo hướng quy định bổ sung trường hợp không được hưởng trợ cấp thất nghiệp như viên chức bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc. Sửa đổi quy định về mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định đảm bảo phù hợp với chủ trương bỏ mức lương cơ sở theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Sửa đổi, bổ sung quy định người lao động không được hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp và không được bảo lưu thời gian đóng BHTN đối với thời gian bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Về hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề, Bộ LĐ-TBXH cũng đề nghị sửa đổi điều kiện hỗ trợ theo hướng quy định bổ sung một số trường hợp không được hỗ trợ học nghề gồm viên chức bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng.

Ngoài ra, bổ sung quy định giao Chính phủ xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động căn cứ kết dư Quỹ BHTN trong các “cú sốc” như khủng hoảng thị trường, suy thoái kinh tế, thiên tai, dịch bệnh.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email