Thursday, April 25

Dày đặc cọc nuôi hàu, vẹm trái phép trên vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông

Hiện trên vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông, thị xã Sông Cầu (Phú Yên) rất nhiều trường hợp làm bè, cắm cọc nuôi hàu, vẹm, đồng đen, làm rớ khai thác thủy sản với mục đích làm thức ăn cho tôm hùm đã gây ảnh hưởng đến cảnh quan, cản trở dòng chảy và môi trường…

Nuôi hàu trên vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu (Phú Yên). Ảnh: KS.

Nuôi hàu trên vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu (Phú Yên). Ảnh: KS.

Tại xã Xuân Phương, theo bà Ma Thị Ngọc Nga, Phó Chủ tịch UBND xã này, hiện có hơn 500 hộ dân làm bè, cắm cọc nuôi hàu, vẹm, làm rớ khai thác thủy sản trên vịnh Xuân Đài thuộc địa bàn. Các hộ này đã lấn chiếm luồng lạch, mặt nước vịnh gây cản trở dòng chảy, ô nhiễm môi trường. Trước tình hình trên, thực hiện chỉ đạo của thị xã Sông Cầu, địa phương đang tổ chức rà soát, thống kê danh sách và lập biên bản các trường hợp vi phạm.

Trong đó, bước đầu có 223 hộ dân địa phương nuôi 239 bè hàu, chính quyền đã lập biên bản vi phạm, tổ chức ký cam kết và yêu cầu các hộ vi phạm tự giác tháo dỡ bè, cọc nuôi hàu, vẹm. Ngoài ra, hơn 300 hộ dân ngoài địa phương đến đây nuôi hàu, địa phương đang rà soát, thống kê, lập biên bản vi phạm để có cơ sở xử lý.

Tương tự qua kiểm tra khu vực vịnh Xuân Đài thuộc phường Xuân Yên quản lý, hiện có 147 bè nuôi hàu và 123 rớ khai thác thủy sản của 171 hộ dân.

Ông Lê Hữu Nam, Phó Chủ tịch UBND phường Xuân Yên, cho biết, địa phương đã lập biên bản các trường hợp vi phạm và tổ chức ký cam kết, yêu cầu các trường hợp vi phạm phải tự giác tháo dỡ bè, cọc nuôi hàu và rớ khai thác thủy sản.

Thị xã Sông Cầu kiên quyết tháo dỡ bè, cọc nuôi hàu trái phép. Ảnh: KS.

Thị xã Sông Cầu kiên quyết tháo dỡ bè, cọc nuôi hàu trái phép. Ảnh: KS.

Bên cạnh đó, địa phương này cũng đang củng cố hồ sơ xử lý vi phạm và xây dựng phương án tháo dỡ các bè, cọc nuôi thủy sản vi phạm.

Theo ông Nam, đến ngày 1/6, nếu các trường hợp vi phạm không tự giác tháo dỡ, phường Xuân Yên sẽ hoàn tất hồ sơ xử lý và tổ chức lực lượng tháo dỡ bè, cọc nuôi thủy sản và rớ khai thác thủy sản trái phép.

Ông Nguyễn Thái Hải Anh, Phó phòng Kinh tế TX Sông Cầu cho biết, sau khi lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, đơn vị, địa phương, thị xã Sông Cầu đã ban hành kế hoạch tổ chức tháo dỡ bè, cọc nuôi hàu, vẹm, đồng đen, rớ khai thác thủy sản trên trên vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông.

Đây là động thái quyết tâm của thị xã Sông Cầu nhằm thực hiện hiệu quả đề án phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững trên địa bàn thị xã giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các quy định của Luật Thủy sản, Luật Đất đai; cũng như thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Yên.

Thị xã Sông Cầu sẽ thực hiện hiệu quả đề án phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững. Ảnh: KS.

Thị xã Sông Cầu sẽ thực hiện hiệu quả đề án phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững. Ảnh: KS.

Tính đến cuối tháng 3/2023, trên địa bàn thị xã Sông Cầu có 1.225 trường hợp làm bè, cắm cọc nuôi hàu, vẹm, đồng đen, làm rớ khai thác thủy sản trên vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông. Hiện nay các xã, phường tiếp tục rà soát, thống kê, xây dựng kế hoạch giải tỏa.

Ông Lâm Duy Dũng, Phó Chủ tịch UBND TX Sông Cầu cho biết, thị xã đã chỉ đạo các địa phương trên địa bàn có nuôi trồng thủy sản khẩn trương rà soát, lập danh sách các tổ chức, cá nhân có bè, cọc nuôi hàu, vẹm, đồng đen, rớ khai thác thủy sản trên đầm, vịnh, từ đó hoàn thành phương án tháo dỡ. Sau đó, các phòng chuyên môn của thị xã theo chức năng, nhiệm vụ tiến hành thẩm định phương án tháo dỡ này theo quy định và thời gian hoàn thành thẩm định trước ngày 30/5.

Theo kế hoạch, TX Sông Cầu sẽ hoàn thành việc tháo dỡ, giải tỏa đồng loạt bè, cọc nuôi hàu, vẹm, đồng đen, rớ khai thác thủy sản trên vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông trong tháng 7 tới.

Theo UBND thị xã Sông Cầu, các đồn biên phòng trên địa bàn thị xã hiện cũng đã tăng cường hỗ trợ lực lượng, phương tiện và phối hợp với các xã, phường tuyên truyền, vận động hộ dân có bè, cọc, rớ khai thác thủy sản tự nguyện tháo dỡ; đồng thời hỗ trợ lập biên bản vi phạm hành chính đối với các trường hợp vi phạm…

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email