Thursday, March 28

‘Cá trắm Phong Nha’, thương hiệu gắn với danh thắng thế giới

Ông Trần Đức Bình, Chủ tịch UBND thị trấn Phong Nha (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) cho hay: “Đến bây giờ, du khách đến với di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng đều biết đến thương hiệu “cá trắm Phong Nha”. Vì vậy, chúng tôi đã có chiến lược phát triển hướng đi cho việc phát triển nuôi cá lồng trên sông Son”.

Gắn với du lịch

Sông Son bắt nguồn từ địa ngàn Trường Sơm, chảy qua núi rừng Phong Nha – Kẻ Bàng và đổ ra từ cửa động. Đoạn sông từ cửa động chạy qua thị trấn Phong Nha là nơi để bà con hình thành và phát triển nghề nuôi cá lồng. Từ những hộ nuôi nhỏ lẻ ban đầu, dần dần đã tạo nên phong trào mạnh về nuôi thủy sản nước ngọt.

Phát triển nuôi cá lồng trên sông Son. Ảnh: T. Phùng.

Phát triển nuôi cá lồng trên sông Son. Ảnh: T. Phùng.

Lợi thế môi trường trong lành, lượng thức ăn rong rêu, cỏ… sẵn có nên bà con bắt đầu chú trọng đến phát triển nuôi cá trắm cỏ. cá trắm đen. Cá nuôi trong lồng không khác gì cá ngoài tự nhiên, thức ăn chủ yếu là sinh vật phù du, rong rêu và các phụ phẩm từ nông nghiệp như lá ngô, sắn, khoai…

Ông Trần Đức Bình cho chúng tôi hay, trong 5 năm trở lại đây, số lượng lồng bè nuôi cá trắm trên địa bàn tăng nhanh, cùng với giá cá tương đối ổn định đã mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân. Khi phong trào nuôi cá lồng phát triển thì người dân cũng đã có nhiều phương án đặt ra để phòng chống mưa lũ nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra.

Chính vì vậy, người dân Phong Nha đã có thu nhập tiền tỷ mỗi năm từ nuôi cá lồng. Thu nhập người dân được tăng cao từ nuôi cá lồng và làm dịch vụ du lịch. Nhờ đó mà chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện nâng cao.

Thị trấn Phong Nha có 9 tổ dân phố và 1 bản thì đã có đến 7 tổ dân phố phát triển lồng nuôi cá trắm cỏ trên sông Son. Gia đình ông Nguyễn Văn Hảo (ở thị trấn Phong Nha) hiện đang có 5 lồng lớn với hơn 700 con cá trắm đen. Ông Hảo cho biết, cá trắm nuôi trong vòng khoảng 2 năm thì sẽ đủ điều kiện để xuất bán ra thị trường. Cá trưởng thành có trọng lượng tầm 5kg. Khi bán cho thương lái sẽ có giá 100.000 đồng/kg. Trừ hết mọi chi phí có thể lãi khoảng 200 triệu đồng sau mỗi vụ thu hoạch cá.

Thương hiệu 'cá trắm Phong Nha' được gắn với di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Ảnh: T.Phùng.

Thương hiệu “cá trắm Phong Nha” được gắn với di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Ảnh: T.Phùng.

Theo nhiều người dân có thâm niên thì nuôi cá trắm lồng mang nhiều rủi ro và vất vả nhưng đổi lại có những thuận lợi riêng như dễ nuôi, dễ thu hoạch, thị trường ưa chuộng. Sau mỗi vụ nuôi, chỉ cần vệ sinh lồng nuôi theo định kỳ, tạo thông thoáng mặt nước trong lồng để tăng hàm lượng oxy và chống ký sinh trùng. Thường xuyên kiểm tra nguồn nước, phòng ngừa dịch bệnh cho cá và điều chỉnh thức ăn phù hợp theo từng giai đoạn sinh trưởng, tốc độ phát triển để tách đàn, tạo điều kiện cá lớn đồng đều.

Nhờ tận dụng tốt diện tích mặt nước trên sông Son để nuôi cá trắm lồng đặc sản, những năm gần đây đời sống của người dân thị trấn Phong Nha đã dần được thay đổi đáng kể.

Theo ông Trần Văn Tứ, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Phong Nha, hiện địa phương này có 348 hộ tham gia nuôi cá lồng trên sông Son với gần 650 lồng cá. Mỗi năm thu nhập từ nuôi các trắm sông Son cho người dân có nguồn thu khoảng 18 tỷ đồng.

Ngoài việc xây dựng thương hiệu “cá trắm Phong Nha”, chúng tôi cũng rất quan tâm đến kế hoạch phát triển nhằm ổn định đầu ra và tăng thu nhập cho bà con.

Lễ hội cá trắm Phong Nha

Nhiều năm qua, vào dịp 30/4 – 1/5, lễ hội “cá trắm Phong Nha” được tổ chức. Lễ hội có mục đích quảng bá thương hiệu cá trắm trên sông Son, đồng thời bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá của địa phương, tôn vinh những người nông dân nuôi cá giỏi và giúp đỡ bà con tìm được đầu ra ổn định.

Ông Trần Đức Bình, Chủ tịch UBND thị trấn Phong Nha cho biết: “Lễ hội được duy trì tổ chức vào mùa du lịch hàng năm tại Phong Nha cũng là sẵn sàng chào đón khách tham quan trong năm 2023”.

Hội thi cá trắm bao gồm các phần thi như: Thi bắt cá trắm nhanh, thi tìm cá trắm to, cá trắm đẹp cho giải “hoa hậu cá”, thi chế biến cá.

Phần tranh tài bắt cá trong lễ hội 'cá trắm Phong Nha'. Ảnh: T.Phùng.

Phần tranh tài bắt cá trong lễ hội “cá trắm Phong Nha”. Ảnh: T.Phùng.

Sau phần thi bắt cá nhanh sẽ có 5 đội tham gia phần thi cá to, cá đẹp. Con cá to nhất, đẹp nhất năm nay giành giải “hoa hậu cá” nặng hơn 10kg, đến từ xã Hưng Trạch.

Phần thi cá trắm mang thông điệp về việc giảm thiểu tình trạng phá rừng, săn bắt động vật, đồng thời gắn kết tính cộng đồng, phát huy sức mạnh đoàn kết tạo không khí vui tươi phấn khởi để bước vào mùa du lịch.

Anh Nguyễn Văn Nhung, đội thi của xã Hưng Trạch cho biết: “Năm nay, tôi tham gia phần thi bắt cá nhanh, mặc dù đội không giành giải nhất nhưng phần thi “hoa hậu cá” lại thuộc về đội chúng tôi. Đó cũng là động lực để bà con phấn khởi nuôi cá lớn nhanh và bảo vệ môi trường của di sản”.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email