Friday, April 19

[Bài 5]: Phục hồi loại rong trong sách đỏ ở đảo Lý Sơn

Bị săn lùng ráo riết vì mức giá 250.000 – 300.000đ/kg

Anh Đỗ Anh Duy – cán bộ Viện Nghiên cứu Hải sản – Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khả năng trồng phục hồi rong câu chân vịt ở đảo Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi thông tin với tôi rằng, trước đây vùng biển Lý Sơn có nhiều san hô, rong biển, cỏ biển rất đẹp. Nhưng có một giai đoạn chúng bị người dân lặn bắt, đánh mìn, rải chất độc xyanua nên đã suy giảm mạnh, nhiều chỗ chỉ còn là một vùng đáy biển trơ trụi sỏi đá. Chỉ đến khi Khu bảo tồn biển Lý Sơn được thành lập năm 2017, giá trị của hệ sinh thái, của các sinh vật biển mới được phổ biến, giáo dục cho người dân trên đảo.

Từ đó ý thức của họ được nâng lên, biết yêu quý, trân trọng hơn những sản vật do thiên nhiên ban tặng. Hiện có một số đề tài phục hồi san hô ở Lý Sơn và mới nhất là phục hồi rong câu chân vịt. Tuy nhiên việc phục hồi tự nhiên vẫn phải là chủ đạo còn con người trồng chỉ là tác động thêm chứ không thể làm thay được…

Lặn xuống đáy biển để thu thập rong giống. Ảnh: CĐ.

Lặn xuống đáy biển để thu thập rong giống. Ảnh: CĐ.

Cũng theo anh Duy, rong biển là thực vật bậc thấp, phát triển và tàn lụi theo mùa, hết mùa sẽ để lại các giác bám hay bào tử cho năm tiếp. Còn cỏ biển là thực vật bậc cao phát triển theo xu hướng từ bé đến lớn, già và chết như cái cây trên bờ, nghĩa là có quanh năm. Cỏ biển của Việt Nam đang bị suy giảm mạnh. Ở các vùng đảo xa như Cù Lao Chàm, Phú Quốc, Phú Quý, Côn Đảo, Hòn Cau… sự suy giảm cỏ biển còn chậm. Ở ven bờ, nơi nhiều tác động bất lợi của con người thì có thể biến mất luôn cả những thảm cỏ biển rất lớn như đã xảy ra tại phá Tam Giang – Cầu Hai của tỉnh Thừa Thiên – Huế hay khu vực sông Gianh của tỉnh Quảng Bình sau sự cố môi trường Formosa.

Đóng vai trò giống như những cái cây ở trong rừng, san hô, rong biển, cỏ biển là ngôi nhà trú ẩn của nhiều loại động vật nhuyễn thể, cá, tôm, bò sát và thú (bò biển), cũng là nơi để chúng kiếm ăn hay sinh sản. Rong biển có mối quan hệ khá đặc biệt với san hô. Khi san hô phát triển thì chúng tạm ngừng. Khi san hô chết đứng hàng loạt (chết giữ nguyên hình dạng) thì chúng sẽ nảy nở, tốt tươi ngay trên cái nền đó.

Theo kết quả nghiên cứu của Nguyễn Hữu Đại và cộng sự năm 1993 tại vùng biển ven đảo Phú Quý của tỉnh Bình Thuận, loài rong câu chân vịt thường mọc thành các tản có kính thước lớn 30-40 cm. Nhưng đến năm 2015 hầu như chúng chỉ còn rất ít, ở các mặt cắt khảo sát thường bắt gặp những cụm rong rất nhỏ và mật độ rất thưa. Nhiều khu vực khác trước đây từng ghi nhận có rong câu chân vịt phân bố như Phú Quốc, Côn Đảo, Phú Quý, Trường Sa, Hải Vân – Sơn Chà… thì hiện nay không còn, hoặc có cũng chỉ phân bố rải rác với sản lượng không đáng kể.

Thu thập rong giống. Ảnh: Viện Nghiên cứu Hải sản.

Thu thập rong giống. Ảnh: Viện Nghiên cứu Hải sản.

Nghiên cứu khoa học cho thấy rong câu chân vịt có hàm lượng agar lớn nên có thể tinh sạch agar dễ dàng. Hiếm có loài rong nào cho đa giá trị như nó: Làm thực phẩm (nộm, nấu chè, làm mứt, nước uống…); Làm nguyên liệu chế biến agar, axit béo, lipid, chất khoáng, chất sinh trưởng thực vật (auxin, cytokinin, gibberellin); Làm các sắc tố, làm đường (đơn, đa); Làm tinh bột, protein, funoran furcellarin, galactan; làm mồi câu cá, làm phân bón (cho cây dừa, cà phê); Làm thuốc trừ sâu; Làm dược liệu (rối loạn tiêu hoá, đường ruột, lợi tiểu, chữa ho, tức ngực, bệnh phổi, bệnh dạ dày, đường ruột)…

Khảo sát ở một số đại lý cho thấy, giá bán loài này ở dạng khô vào khoảng 250.000 – 300.000 đ/kg nên người dân đua nhau khai thác đến quá mức tái sinh.

Bởi thế năm 2007 “Sách đỏ Việt Nam” đã xếp rong câu chân vịt ở mức nguy cấp, có nguy cơ rất lớn sẽ bị tuyệt chủng ngoài thiên nhiên trong một tương lai gần. May mắn hơn các vùng biển khác, ở Lý Sơn – nơi có điều kiện rất phù hợp cho rong câu chân vịt phát triển hiện chúng vẫn còn. Dù sản lượng không bằng xưa nhưng người dân địa phương đang khai thác khoảng vài chục tấn mỗi năm, chủ yếu là các tản rong có kích cỡ nhỏ.

Các nhà khoa học đang thu thập rong giống. Ảnh: Viện Nghiên cứu Hải sản.

Các nhà khoa học đang thu thập rong giống. Ảnh: Viện Nghiên cứu Hải sản.

Quyết tâm đưa rong câu chân vịt ra khỏi “Sách đỏ”

Kết quả điều tra, nghiên cứu năm 2011 về tài nguyên sinh vật tại vùng biển Lý Sơn của Đỗ Văn Khương và cộng sự đã ghi nhận được 98 loài thực vật phù du, 54 loài động vật phù du, 90 loài cá rạn san hô, 87 loài san hô, 171 loài động vật thân mềm, 49 loài động vật giáp xác, 45 loài động vật da gai, 22 loài giun nhiều tơ và 7 loài cỏ biển. Riêng về nguồn lợi rong biển tại vùng này cũng được nhiều nhà khoa học quan tâm, nghiên cứu từ năm 1978. Trung bình mỗi năm đều có 1-2 chuyến điều tra, khảo sát ngoài đảo trong khoảng từ tháng 2 đến tháng 8…

Tiếp nối các nghiên cứu này, trong hai năm 2017 và 2018, Đỗ Anh Duy và Đỗ Văn Khương đã tìm hiểu chuyên sâu về đa dạng thành phần loài, đánh giá tiềm năng nguồn lợi, khả năng khai thác, nuôi trồng các loại rong biển kinh tế. Từ đó cho thấy nguồn lợi rong câu chân vịt phân bố chủ yếu tại khu bảo tồn biển Lý Sơn ở vùng triều thấp và phần trên của vùng dưới triều. Dân địa phương hay khai thác chúng tại vùng triều thấp vào những ngày từ 13-18 âm lịch khi mực nước rút xuống thấp nhất. Đối với nguồn rong câu chân vịt phân bố tại phần trên của vùng dưới triều họ phải sử dụng các thiết bị lặn như kính và ống thở mới khai thác được.

Cận cảnh rong giống vừa được cấy xuống đáy biển. Ảnh: DĐT.

Cận cảnh rong giống vừa được cấy xuống đáy biển. Ảnh: DĐT.

“Rong câu chân vịt với đặc tính tái sinh dinh dưỡng là chủ yếu, bám vào thể nền nhờ các mấu bám dạng đĩa được hình thành ở mặt dưới các nhánh bò. Đây là một trong những đặc tính quan trọng để phục hồi nguồn lợi loài này bằng phương pháp cấy cố định trên nền đáy tự nhiên.

Tuy nhiên ngày nay trên thế giới cũng như tại Việt Nam vẫn chưa có một công trình nghiên cứu nào nhằm phục hồi, phát triển rong câu chân vịt. Chính vì lẽ đó việc nghiên cứu nhằm phục hồi, phát triển nguồn lợi loài rong biển giá trị này là rất cần thiết”, anh Đỗ Anh Duy phân tích.

Trong đề tài thử nghiệm của mình, anh cùng các cộng sự đặt mục tiêu trồng phục hồi rong bằng phương pháp cấy cố định trên nền đáy tự nhiên với diện tích 200 m2 tại 2 địa điểm trong 2 năm, với tỷ lệ sống trên 60%, năng suất trên 500 g/m2. Năm đầu tiên 2023 này họ đã dùng thiết bị lặn cấy được cỡ hơn 100m2 tương đương 400-500 tản, mỗi tản 30-50 gram giống. Sau vài tháng nữa các nhà khoa học sẽ lặn xuống khu vực trồng đánh giá khả năng phát triển của rong qua: Phân tích, đánh giá về độ phủ, tốc độ tăng trưởng về kích thước tản, về khối lượng; Phân tích, đánh giá tỷ lệ sống, năng suất; Phân tích, đánh giá hàm lượng agar và sức đông agar.

Nhà khoa học đang tác nghiệp dưới nước. Ảnh: Viện Nghiên cứu Hải sản.

Nhà khoa học đang tác nghiệp dưới nước. Ảnh: Viện Nghiên cứu Hải sản.

Quá trình trồng phục hồi có thể xảy ra các trường hợp rủi ro như: Nền đáy cứng, khó đóng đinh ghim rong; Rong cấy xong bị lỏng lẻo, bị sóng, dòng chảy cuốn trôi, bị mất do cá ăn; Rong bị người dân tại địa phương khai thác, dẫm đạp gây hư hại…

Lường trước những tình huống đó, các nhà khoa học đã lựa chọn nền đáy rạn san hô chết để đóng đinh ghim, buộc giống xuống bởi chúng có độ ráp, độ gồ ghề cao, phù hợp với sinh thái phân bố của rong câu chân vịt;

Chọn các khu vực có độ cao sóng thấp, dòng chảy vừa phải, nước lưu thông tốt để trồng phục hồi; Chọn độ sâu ở khoảng 3-4 m nước đảm bảo một số loài cá hay ăn rong tầng mặt như cá dìa, cá hói ít có khả năng tiếp xúc được; Sử dụng các phao neo đánh dấu, tăng cường công tác kiểm tra giám sát, không để người dân địa phương vào khai thác, dẫm đạp; Phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn để có các biện pháp bảo vệ…

Một thảm rong biển tuyệt đẹp. Ảnh: Viện Nghiên cứu Hải sản.

Một thảm rong biển tuyệt đẹp. Ảnh: Viện Nghiên cứu Hải sản.

Khi chứng kiến việc trồng rừng dưới đáy biển một cách thầm lặng của các nhà khoa học Viện Nghiên cứu Hải sản, tự nhiên trong đầu tôi giai điệu của bài hát “Một đời người một rừng cây” bỗng vang lên: “… Có một cây là có rừng. Và rừng sẽ lên xanh. Rừng giữ đất quê hương”. Hy vọng, việc trồng phục hồi thành công rong câu chân vịt sẽ góp phần đưa loài này ra khỏi danh mục nguy cấp trong sách đỏ Việt Nam, giúp nâng cao sản lượng khai thác, từ đó góp phần phát triển kinh tế – xã hội ở các vùng biển đảo còn nhiều gian khó.

Năm 2018 tổng sản lượng rong biển trên thế giới là 32,3 triệu tấn (rong biển nuôi trồng chiếm 97%), trong đó sản lượng nuôi trồng rong câu chiếm khoảng 10% tương đương 3,4 triệu tấn, nhưng tập trung vào chi rong câu Gracilaria. Rong câu chân vịt là loài rong biển có hàm lượng và chất lượng agar, có giá trị kinh tế lớn, loại thực phẩm rất có lợi cho sức khỏe con người, vì vậy nhu cầu về thị trường sẽ là rất lớn, không chỉ trong nước mà cả ngoài nước.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email