Thursday, April 25

200 doanh nghiệp tìm cơ hội kết nối giao thương Việt Nam – Sơn Đông

Hơn 200 doanh nghiệp tham dự hội nghị do Cục Xúc tiến thương mại tổ chức. Ảnh: Bảo Thắng.

Hơn 200 doanh nghiệp tham dự hội nghị do Cục Xúc tiến thương mại tổ chức. Ảnh: Bảo Thắng.

Thị trường nhiều tiềm năng

Chiều 1/6, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương phối hợp Ủy ban Xúc tiến Thương mại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc tổ chức “Hội nghị Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và kết nối giao thương Việt Nam – Trung Quốc (Sơn Đông)”.

Phát biểu khai mạc, ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, sau hơn 30 năm thực hiện chính sách đổi mới và mở cửa, Việt Nam đã và đang chủ động hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

Việc gia nhập cộng đồng kinh tế toàn cầu, tham gia ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho sự phát triển quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới.

Bất chấp những khó khăn về dịch bệnh, xung đột địa chính trị, biến đổi khí hậu, Việt Nam từng bước trở lại với quỹ đạo tăng trưởng ổn định. Năm 2022, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 8,02%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2022 đạt 732,5 tỷ USD, kim ngạch xuất siêu của Việt Nam ra thị trường nước ngoài đạt 11,2 tỷ USD, cao gấp gần 4 lần mức xuất siêu của năm 2021. Đặc biệt, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam năm 2022 đạt 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất trong 5 năm qua.

Trên trường quốc tế, Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 175,6 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Tính đến hết năm 2022, Trung Quốc đầu tư 3.567 dự án tại Việt Nam, với tổng vốn đạt 23,48 tỷ USD. Hiện Trung Quốc đứng thứ 6 (tăng 1 bậc so với năm 2021) trong 140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Riêng năm 2022, Trung Quốc đứng thứ 4 trong các đối tác đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, với 283 dự án cấp mới có giá trị 1,35 tỷ USD (trên 2,51 tỷ USD tổng số vốn đăng ký).

Ông Lâm Nguyên, Phó Chủ tịch Ủy ban Xúc tiến Thương mại tỉnh Sơn Đông phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Bảo Thắng.

Ông Lâm Nguyên, Phó Chủ tịch Ủy ban Xúc tiến Thương mại tỉnh Sơn Đông phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Bảo Thắng.

Hòa trong dòng chảy thương mại phát triển ổn định, bền vững của hai nước, hợp tác thương mại giữa Việt Nam và tỉnh Sơn Đông cũng có những bước phát triển. Năm 2022, kim ngạch thương mại chiều Việt Nam – Sơn Đông đạt gần 14 tỷ USD tăng 35,1% so với năm 2021, chiếm 2,79% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Sơn Đông với thế giới và chiếm 14,14% kim ngạch xuất nhập khẩu của Sơn Đông với ASEAN.

Với Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) xếp thứ 3, dân số xếp thứ 2 Trung Quốc, với quy mô dân số 101,62 triệu người, Sơn Đông được lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại đánh giá là một thị trường giàu tiềm năng. Đây cũng là địa phương giữ vai trò nền tảng về công nghiệp, với 41 ngành công nghiệp lớn, quan trọng và là điểm kết nối quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế khu vực phía Bắc của Trung Quốc.

Để thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và tỉnh Sơn Đông, ông Hoàng Minh Chiến đề nghị hai vấn đề. Một là, hai bên khuyến khích và tích cực tổ chức doanh nghiệp tham dự các hoạt động hội chợ, triển lãm lớn, có uy tín để hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, thương hiệu và kết nối, giao thương.

Hai là, đề nghị phía Sơn Đông tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, thủy sản có thế mạnh của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc bằng hình thức chính ngạch, đặc biệt là các sản phẩm như sầu riêng, khoai lang tím, yến sào.

“Cục Xúc tiến thương mại cam kết sẵn sàng phối hợp với Ủy ban Xúc tiến thương mại tỉnh Sơn Đông và các địa phương của Việt Nam nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tỉnh Sơn Đông kết nối, giao thương và hợp tác lâu dài nhằm phát huy tính bổ sung lẫn nhau trong hợp tác kinh tế, thương mại”, ông Chiến nhấn mạnh.

Ký kết 7 thỏa thuận hợp tác

Chia sẻ thêm, ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi cho biết, giữa tháng 5 vừa qua, ông cùng Đoàn đại biểu Bộ Công thương và một số doanh nghiệp Việt Nam đã thăm và làm việc tại tỉnh Sơn Đông.

“Đoàn công tác đã tận mắt thấy một tỉnh Sơn Đông tươi đẹp, giàu mạnh, hiếu khách, được nghe giới thiệu về các thế mạnh vượt trội của tỉnh như dân số, kinh tế, tài nguyên, văn hóa”, ông nói.

Tuy nhiên, theo ông Sơn, kim ngạch thương mại giữa các địa phương Việt Nam và tỉnh Sơn Đông hiện còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, chiếm chưa tới 6% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Bà Phan Thị Mến, Tổng giám đốc SUTECH mong muốn được các cơ quan quản lý hướng dẫn chi tiết về thị trường Trung Quốc. Ảnh: Bảo Thắng.

Bà Phan Thị Mến, Tổng giám đốc SUTECH mong muốn được các cơ quan quản lý hướng dẫn chi tiết về thị trường Trung Quốc. Ảnh: Bảo Thắng.

Bà Phan Thị Mến, Tổng giám đốc Công ty TNHH Tư vấn khoa học và Công nghệ SUTECH, một doanh nghiệp Việt Nam dự hội nghị chia sẻ, rằng các thông tin về thị trường Trung Quốc hiện chủ yếu do phía doanh nghiệp chủ động tìm hiểu thông qua đối tác.

Thời gian qua, Trung Quốc có nhiều thay đổi về chính sách xuất nhập khẩu hàng hóa. Với mong muốn đáp ứng đúng quy định của thị trường tỉ dân, bà Mến kiến nghị Bộ Công thương và các Bộ, ban, ngành, địa phương liên quan đồng hành cũng như tăng cường hướng dẫn doanh nghiệp, đáp ứng đúng, đủ các yêu cầu về tiêu chuẩn sản phẩm xuất khẩu.

Tại hội nghị, ông Lâm Nguyên, Phó Chủ tịch Ủy ban Xúc tiến Thương mại tỉnh Sơn Đông bày tỏ sự vui mừng khi nhận sự quan tâm, theo dõi của hơn 200 doanh nghiệp. Ông cho rằng, hội nghị này góp phần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam – Trung Quốc theo tinh thần kết quả chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hồi tháng 11/2022.

Trong bối cảnh Trung Quốc đã chính thức mở cửa cho phép nhiều loại nông, thủy sản có thế mạnh của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc vào năm ngoái, đồng thời dỡ bỏ các biện pháp phòng chống Covid-19 từ ngày 8/1/2023, ông Lâm mong muốn doanh nghiệp hai bên đón đầu, tận dụng hiệu quả cơ hội này.

Đại biểu tham dự hội nghị đã chứng kiến lễ ký kết 7 thỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và Sơn Đông. Song song với đó, hơn 200 doanh nghiệp hai nước thuộc 5 lĩnh vực: nông sản – thực phẩm, thiết bị máy móc, lốp cao su – phụ tùng ô tô, xây dựng – vật liệu xây dựng và các ngành công nghiệp khác kết nối giao thương.

Sơn Đông là một tỉnh ven biển phía đông của Trung Quốc và là điểm kết nối quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế khu vực phía Bắc Trung Quốc. Sơn Đông cũng là khu vực sản xuất cây lương thực và cây trồng trọng điểm của đất nước tỉ dân, được mệnh danh “kho ngũ cốc và dầu bông, quê hương của trái cây và thủy sản”.

Năm 2022, GDP của Sơn Đông đạt khoảng 1.264,96 tỷ USD. Trong đó, nông nghiệp đạt 91,13 tỷ USD), chiếm tỷ trọng 7,2%; công nghiệp đạt 506,56 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 40,04%. Theo thống kê của Trung Quốc, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Sơn Đông – Việt Nam năm 2022 đạt 13,56 tỷ USD, chiếm 2,79% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Sơn Đông với thế giới và 14,14% kim ngạch xuất nhập khẩu của Sơn Đông với ASEAN.

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Sơn Đông sang Việt Nam là máy móc cơ khí, thiết bị điện, kim loại, hóa chất công nghiệp, sản phẩm dệt may, nhựa, cao su, vật liệu đá và thủy tinh. Các mặt hàng nhập khẩu chính từ Việt Nam gồm: gỗ và sản phẩm gỗ, máy móc cơ khí và thiết bị điện, nhựa và cao su, rau củ, khoáng sản, động vật và sản phẩm động vật, sản phẩm dệt may.

Please follow and like us:
Pin Share
RSS
Follow by Email